Công tác thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn của các nghệ sĩ, người nổi tiếng luôn có một sức lan tỏa rộng lớn. Khi địa phương nào có khó khăn, hầu như khi các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi, đều được sự hưởng ứng mạnh mẽ của khán giả, các nhà hảo tâm...

Nhiều người hoài nghi về số tiền nghệ sĩ quyên góp được có thật sự minh bạch, có được trao đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn như mục tiêu ban đầu hay không? Trả lời cho băn khoăn đó, gần đây, nhiều người nghệ sĩ đã công khai các bản sao kê tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên với một cá nhân làm từ thiện, sao kê tài khoản ngân hàng liệu đã đủ minh bạch?

Anh Đặng Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và những người bạn, một cá nhân rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện cho rằng, việc các nghệ sĩ làm từ thiện là một điều rất đáng hoan nghênh, là điều rất tốt, mục tiêu là hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên nếu chỉ làm theo cảm tính, triển khai trong thời gian ngắn, cách thức tổ chức thiếu bài bản thì lại là một trở ngại. Nhiều người cho rằng chỉ cần chuyển tiền, chuyển quà đến tay những người cần giúp đỡ là xong, nhưng họ quên rằng bước cuối cùng là cần phải công khai, minh bạch và báo cáo những người đã gửi tiền hỗ trợ thông qua họ. Theo anh Lâm, công khai, báo cáo việc tặng quà, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng chính là nghĩa vụ mà những người đã đứng ra quyên góp phải thực hiện. Rất nhiều sự giúp đỡ là xuất phát từ sự tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, do đó yêu cầu sao kê tài khoản thu chi của người quyên góp từ thiện cũng là điều dễ hiểu và cần thiết.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc công ty luật Hoàng Sa cho biết, mặc dù từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64 quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo song Nghị định lại chưa có những quy định điều chỉnh đối với cá nhân trong việc thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện mà chỉ quy định về hoạt động của tổ chức. Chính vì vậy, rất cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 để tạo một hành lang pháp lý chặt chẽ cho các cá nhân làm từ thiện.

Sử dụng tiền quyên góp làm từ thiện như thế nào là trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức làm từ thiện. Chỉ cần cần rơi vãi một vài đồng cũng để lại tiếng xấu sau này, huống hồ là số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.