Từng là dòng sông thơ mộng gắn liền với lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhưng những năm gần đây dòng sông Tô Lịch đang phải oằn mình gánh chịu sự ô nhiễm nặng nề, trở thành nỗi ám ảnh về môi trường của người dân Thủ đô.

Sông Tô Lịch có chiều dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy qua 6 quận, huyện gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Đây cũng là trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Theo ước tính, mỗi ngày sông Tô Lịch tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ, mà phần lớn trong số đó chưa qua xử lý:

Các chuyên gia môi trường đều đưa ra cảnh báo, ô nhiễm sông Tô Lịch không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, gây mất mỹ quan mà còn là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm sông Tô Lịch không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, làm mất cân bằng sinh thái, mà còn làm mai một giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch của dòng sông.

Hàng chục năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung rất nhiều nguồn lực với hy vọng hồi sinh dòng sông Tô Lịch. Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn chưa đi đến kết quả như ý.

- Năm 2000, TP Hà Nội thực hiện dự án nạo vét, kè hai bờ sông Tô Lịch.

- Năm 2008, TP Hà Nội từng có đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy.

- Năm 2019, TP Hà Nội thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C.

- Cũng trong năm 2019, Công ty Cổ Phần Cải Thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thí điểm làm sạch sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

- Thế nhưng đến nay, sông Tô Lịch vẫn là dòng sông chết.

Mới đây, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong đó cơ bản tán thành hướng nghiên cứu và đề xuất phương án thiết kế cải tạo sông Tô Lịch, nhằm biến con sông này thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và lại một lần nữa cho người dân thủ đô thêm hy vọng về một dòng sông Tô Lịch được hồi sinh.

Chia sẻ về câu chuyện này, KTS Trần Huy Ánh, không giấu nổi sự tiếc nuối thậm chí là đau đớn bởi từ một con sông đẹp, Tô Lịch giờ đây không khác gì một nơi chứa nước thải, ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Hơn chục năm qua, KTS Trần Huy Ánh từng nhiều lần chứng kiến sự nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội triển khai các giải pháp khác nhau để hồi sinh dòng sông Tô Lịch. Nhưng rồi sau biết bao chiến dịch truyền thông rầm rộ tất cả đều đi đến "thất bại" với vô vàn câu hỏi chưa có lời đáp.

Thất vọng là thế, nhưng những ngày qua thông tin về việc Hà Nội đã và đang thực hiện nạo vét, cải tạo, dòng sông Tô Lịch để biến nơi đây thành không gian xanh, ông lại mừng và tiếp tục hy vọng chất lượng nguồn nước nơi đây sẽ được cải thiện, lòng sông sẽ giảm bớt mùi hôi, mặt nước không còn rác thải, cảnh quan ven sông Tô Lịch sẽ thay đổi.

“Công cuộc cải tạo sông Tô Lịch kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội đã đi nạo vét sông Tô Lịch. Thế hệ chúng tôi hơn 45 năm trước cũng đã tham gia nạo vét sông, còn 50 năm trước thì các anh các chị tôi và hơn 60 năm trước thì là cha mẹ tôi, tức là tầng tầng lớp lớp người Hà nội đi nạo vét sông. Bởi vậy mỗi khi thấy sông hồ bị lấp đi là thấy đau trong tim còn khi thấy sông hồ được cải thiện thì phải nói là rất mừng”. Nhưng trong cái mừng này của KTS Trần Huy Ánh cũng có cả những nỗi lo. Từ những lần thất bại trước, ông sợ lần này, nếu vẫn làm trong sự vội vã, hấp tấp, không có sự cân nhắc thận trọng, thì không khác gì lấy cái sai này sửa cái sai trước, và đôi khi còn nguy hiểm hơn.

Bởi vậy KTS Trần Huy Ánh lưu ý để cải tạo sông Tô Lịch, nhằm biến con sông này thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng thì việc đầu tiên là phải nạo vét bùn thải. Thứ hai là phải có nước và nước đó không được tù đọng, mà phải là nước sống thì khi đó nước sông ắt sẽ sạch.

“Sông Tô Lịch là không gian vô cùng quý giá với sức chứa khoảng 23 triệu m3, gấp gần 5 lần lượng nước hồ Tây. Bởi vậy luôn phải để sông Tô Lịch trở thành một cái hồ dài 14 km với lúc nào cũng đầy đủ nước. Điều đó không chỉ tạo cảnh quan mà còn là một cái van cứu nguy cho thành phố mà nguy cơ khô hạn cũng lớn không kém nguy cơ ngập úng”.

Ngoài ra, ông Ánh cũng nhấn mạnh, dòng sông Tô Lịch vốn dĩ hai bên có rất nhiều thảm xanh cho nên chỉ cần liên kết lại những cảm xanh đó sẽ trở thành một chuỗi xanh liên tục vô cùng đẹp và ấn tượng. “Chỉ cần làm cho nước sạch và có đủ nước thì cảnh quan sông Tô Lịch đã tự thu hút các hoạt động của con người xung quanh đó mà không cần phải đầu tư bất cứ điều gì, không cần mở rộng, không cần phải trồng thêm cây….”, KTS Trần Huy Ánh khẳng định.

Ai cũng mơ một ngày dòng sông Tô Lịch hồi sinh như trong câu ca “Nước sông Tô vừa trong vừa mát, Cho thuyền anh ghé sát thuyền em". Hy vọng với sự quyết tâm của chính quyền thành phố, việc cải tạo lần này sẽ thực sự hồi sinh dòng sông Tô Lịch, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và tạo ra những không gian công cộng hấp dẫn cho người dân.