Xưa nay, nhiều người quan niệm, làm việc trong cơ quan nhà nước là “nhàn nhã, ổn định và vững chắc”. Nhưng thực tế này dường như đã thay đổi khi hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc ở nhiều địa phương, cơ quan nhà nước thời gian qua.

“Tôi là giáo viên mầm non đã làm việc được gần 5 năm. Tôi học đại học mà mức lương vẫn ăn theo trung cấp 3,8 triệu đồng/tháng. Đồng lương ít ỏi vừa lĩnh đã hết vì phải vay mượn thêm để ăn trước trả sau. Không đủ để nuôi con ăn học dù đứa lớn mới cấp 2, đứa bé mới cấp 1. Chưa nói đến tiền xăng xe đi làm cách nhà 10km, tiền đủ các loại quỹ, tiền sinh hoạt trong gia đình...Thời gian làm việc của giáo viên mầm non quá nhiều, công việc vất vả, một tiết dạy sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian làm đồ dùng trực quan. Đi làm ban ngày, tối về lại ôm một đống hồ sơ, sổ sách, giáo án, đồ chơi về làm... Lượng công việc lớn mà lương quá rẻ mạt...”- Đây là tâm sự của một giáo viên mầm non được đăng trên mạng xã hội gần đây.

Những tưởng trăn trở về đồng lương, thu nhập và cuộc sống khó khăn là câu chuyện của riêng giáo viên mầm non ấy, nhưng đây lại là thực tế cuộc sống của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

“Tôi là viên chức nhà nước vừa nghỉ việc được 4 tháng. Nói thật khi nộp đơn cũng ghi là nguyện vọng cá nhân và lý do riêng gia đình, nhưng thực chất thì muôn vàn thứ lý do không tiện nói” là chia sẻ của một viên chức giấu tên. Dường như ngay cả lý do để cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc cũng đã không được thể hiện rõ ràng, minh bạch. Họ đã rời nghề và chọn im lặng, bởi cảm thấy nếu có giãi bày thì cũng không có sự thấu hiểu nào.

Vậy, con số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc ngày một tăng, vì đâu nên nỗi? Theo Tiến sỹ Luật học và Quản lý công Phan Văn Đoàn, Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc đến từ nhiều nguyên nhân như: áp lực công việc; các chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa kịp thời; cơ hội thăng tiến không nhiều và lương là một nguyên nhân cơ bản. Vướng mắc lớn nhất đến từ cơ chế, chính sách cũng như nguồn tài chính được sử dụng cho việc chi trả tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Chúng ta đang xây dựng chế độ trả lương theo bằng cấp, trả lương cào bằng áp dụng tất các tỉnh, thành trên toàn quốc, mà chưa thực hiện việc trả lương dựa trên kết quả, hiệu quả công việc. Đặc biệt chưa tính tới các yếu tố đặc thù của từng địa phương, mức sống chênh lệch giữa thành thị và nông thôn” - TS Phan Văn Đoàn phân tích thêm.

Mong muốn được vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp là nguyện vọng của rất nhiều người. Họ khát khao được làm việc lâu dài, được đóng góp sức lực, trí tuệ, sự tận tâm của mình để phục vụ nhân dân. Nhưng một rào cản rất lớn để giữ chân họ ở lại làm việc là tiền lương.

Câu hỏi đặt ra là cán bộ, công chức, viên chức đi làm vì điều gì, nhận được điều gì? Ngoài các yếu tố như vị trí xã hội, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho xã hội thì tiền lương chính là điều mỗi người mong muốn nhận được và hướng tới. Tiền lương phải phản ánh giá trị sức lao động của người lao động. Tiền lương là phần thu nhập chính để chi trả cho nhu cầu cuộc sống, trong khi hệ thống tiền lương hiện nay rõ ràng là chưa làm được điều đó.

Trong thời gian qua Nhà nước cũng có nhiều chính sách quan tâm tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa có nguồn chi trả tiền lương tương xứng với giá trị sức lao động của người lao động.

Bên cạnh các chính sách về tiền lương, phụ cấp thì Nhà nước cũng có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc mua nhà ở xã hội, vay vốn ngân hàng... nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, dù chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì có nhưng lại không được thực thi hiệu quả. Điều này càng làm cho cán bộ, công chức, viên chức chán nản, muốn rời bỏ các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực công việc ngày càng lớn, trong khi người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng hành chính công, dịch vụ công càng gây áp lực lớn về tâm lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cho dù họ tận hiến cho công việc, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp, thậm chí phải làm thêm giờ nhưng chế độ đãi ngộ không được đáp ứng.

Cán bộ, công chức, viên chức phải xoay xở, đánh vật với các khoản chi tiêu của cuộc sống. Khi đó, rời khỏi bộ máy nhà nước sớm hay muộn dường như là một lựa chọn, bởi các cụ xưa vẫn thường nói “có thực mới vực được đạo”.

Chính sự thúc bách về nhu cầu cuộc sống, đã làm cho một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng đạo đức, mất đi lý tưởng cách mạng của người cán bộ phục vụ nhân dân vô vị lợi. Họ đã lầm đường lạc lối dẫn tới việc vi phạm pháp luật, từ những vi phạm nhỏ là quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh khi người dân đến làm các thủ tục hành chính, đến việc lót tay, chạy dự án, chạy chính sách… Đây là thực trạng đáng buồn cho nền hành chính nước nhà. Đã đến lúc chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề này, cắt những ung nhọt trong bộ máy hành chính nhà nước.

Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ được coi là một giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, trên cơ sở tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành một cách khoa học để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Theo Quyết định vừa được Bộ Chính trị ban hành, thì tổng biên chế cả nước giai đoạn 2022-2026 là hơn 2,2 triệu người. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng ban hành kết luận về nâng cao hiệu quả quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Trong đó, yêu cầu giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế là chủ trương đúng, nhưng triển khai như thế nào để khoa học, phù hợp với thực tế mà vẫn giữ chân cán bộ, viên chức và thu hút nhân tài? Theo TS Luật học và Quản lý công Phan Văn Đoàn, việc tinh giản biên chế cần phải thực hiện trên cơ sở khoa học và thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; chứ không phải làm máy móc, cơ học. Thay vì nhiều người làm một việc, thì cần hướng tới mục tiêu một người làm nhiều việc; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Tất nhiên, đi kèm với đó phải có chính sách đãi ngộ cho thực sự xứng đáng để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc, gắn bó, lại có thể giữ chân, thu hút được người tài cho bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, để cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy yên tâm, có niềm tin để tiếp tục gắn bó với công việc, TS Phan Văn Đoàn cho rằng, các cơ quan nhà nước cần có những thay đổi thiết thực và toàn diện:

Một là, cần sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động hiện nay.

Hai là, các cơ quan nhà nước cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở, quy chế tiếp công dân, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các vị trí việc làm; phân công đúng người đúng việc; có cơ chế trọng dụng người tài, bảo vệ người tài; các quy định về bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức nơi làm việc.

Ba là, các cơ quan nhà nước cần ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin để giảm tải các công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Những việc nào mà tư nhân có thể làm được thì chúng ta để tư nhân làm, tránh ôm đồm công việc.

Bốn là, các cơ quan nhà nước cũng cần thường xuyên đánh giá về hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sớm nắm bắt số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc để có số liệu chính xác nhằm xây dựng hệ thống dự báo về nhân lực.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định, phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Để thực hiện tốt chú trương này, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự giúp sức của người dân.

“Về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược, trong đó hệ thống tiền lương cần minh bạch, trả lương theo kết quả, hiệu quả và trách nhiệm công việc. Ai làm được nhiều việc, làm tốt, có trách nhiệm và hiệu quả hơn thì hưởng lương cao hơn; còn ai làm được ít việc, trách nhiệm, hiệu quả thấp thì lương thấp hơn. Còn ai làm việc không hiệu quả, không có trách nhiệm thì cần loại bỏ ngay lập tức” - TS Phan Văn Đoàn khẳng định.

Thiết nghĩ các cơ quan nhà nước phải cải cách nhiều hơn nữa về chế độ tiền lương, về cơ chế tuyển dụng, môi trường làm việc và công tác nhân sự. Tiếp tục tinh giản biên chế theo đúng chủ trương, đào thải những người không làm được việc và tuyển mới những người làm việc tốt, có tâm, có tài về thay thế. Làm sao để môi trường nhà nước thực sự là nơi để người lao động tìm đến và có những công chức, viên chức hết lòng vì người dân./.

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước có hơn 9.000 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục có hơn 1.200 giáo viên xin nghỉ việc.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022 Thành phố Hồ Chí Minh có gần 700 cán bộ, công chức thôi việc và hơn 5.500 viên chức thôi việc theo nguyện vọng. Viên chức thôi việc nhiều nhất là trong khối giáo dục với hơn 2.400 trường hợp, y tế là hơn 2.000 trường hợp.

Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có hơn 500 người xin nghỉ việc và hơn 80 người xin chuyển công tác. Từ tháng 1 đến hết tháng 4/2022, có hơn 200 người nghỉ việc và gần 20 người xin chuyển công tác.

Từ ngày 1/1/2021 đến 15/6/2022, tổng số công chức, viên chức thuộc các Sở ban ngành tại Đà Nẵng xin nghỉ việc là gần 400 người.

Tháng 7/2022, bà Trần Thị Ái Liên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai và ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai bất ngờ làm đơn xin nghỉ việc sau nhiều năm công tác, gây xôn xao trong cán bộ công chức, viên chức