Chiều nay (10/11), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật này là hết sức bức thiết nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh sau gần 12 năm thực thi, đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là ý kiến của đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình). “Luật hiện hành bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh và tiêu dùng mới ra đời, Luật hiện hành không còn phù hợp nữa, cần phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu ý kiến.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc còn nêu thực tế: “Trong quá trình thực thi pháp luật cho thấy đây là luật khó đi vào thực tiễn. Người dân là chủ thể tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng thường ở thế yếu. Bản thân họ luôn nghĩ khi tham gia mua bán, giao dịch nhỏ, số tiền ít nên khi bị xâm phạm ít khi khởi kiện hoặc nhờ cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai), trong xu thế hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo bà, những quy định trong dự thảo là chưa đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Phương nêu rõ dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức. Quy định như vậy là chưa thuyết phục. “Không phải khi nào người tiêu dùng là tổ chức cũng có đủ khả năng để đối mặt với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi không bảo vệ họ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội", đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nêu vấn đề.

Cùng chung góc nhìn và quan điểm, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng chủ thể người tiêu dùng là chủ thể trung tâm của luật. Do đó, theo bà ban soạn thảo phải làm rõ khái niệm người tiêu dùng. Quy định như dự thảo hiện chưa đầy đủ. Chủ thể sử dụng là cá nhân hay tổ chức đều cần được luật này điều chỉnh và bảo vệ.

Để kịp thời xử lý những bất cập nêu trên, các đại biểu kiến nghị dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hàng hóa kém chất lượng gây ra.

“Về quyền của người tiêu dùng, tại Khoản 6, Điều 15, quy định người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm hàng hóa dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau. Nhiều người mua bị lừa, nhận hàng không đúng với thỏa thuận nhưng không thực hiện được yêu cầu bồi thường. Bản thân người bị lừa không biết phải tìm ai để giúp đỡ. Chế tài xử lý vấn đề này hiện nay chưa có, rất khó để thực hiện các chế tài. Tôi đề nghị dự thảo có quy định chặt chẽ và chi tiết hơn”, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) kiến nghị.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng: khoản 3 Điều 34 quy định, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự. Bà đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (hàng hóa kém chất lượng) gây ra trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thậm chí, bà Vân còn kiến nghị bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Trước những vấn đề các đại biểu nêu ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ và hội nhập.