Ngày hôm qua, 1 trẻ mầm non ở Thái Bình đã tử vong sau gần 11 giờ bị bỏ quên trên xe đưa đón dưới thời tiết nắng gắt. Đây không phải là vụ việc hy hữu bởi những vụ việc tương tự đã xảy ra nhiều lần, trong nhiều năm nay. Mặc dù công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ vụ án. Nhưng câu hỏi đặt ra là “Vì sao trẻ em – đối tượng được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất lại có thể bị bỏ quên? Cần phải có những giải pháp gì để tình trạng này không tái diễn?”

Trao đổi với PV VOV2 bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng sự tác trách, thiếu trách nhiệm của nhà trường và những người liên quan như lái xe, giáo viên đưa đón đã gây ra hậu quả nặng nề không thể khắc phục: “Chúng ta có quy trình đưa đón học sinh rất rõ ràng. Cụ thể, người lái xe phải kiểm tra lại xe xem còn học sinh nào trên xe không, bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non, các em còn rất bé đôi khi ghế xe che mất, hoặc các em có thể ngủ quên. Cho nên việc kiểm tra lại xe là việc bắt buộc, vì đây không phải vụ việc duy nhất xảy ra mà đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc. Rồi trách nhiệm của giáo viên đưa đón, không kiểm tra xem học sinh đã đủ hay chưa, còn thiếu em nào hay không?”

Trường học vốn được coi là môi trường an toàn cho học sinh, tuy nhiên rất nhiều vụ việc tai nạn học đường thương tâm đã xảy ra. “Liệu chúng ta đã thực sự tạo được môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển?” – đây là điều đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn. Để làm được như vậy, đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, cần quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ hơn nữa tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư nhân.

Đại biệt Việt Nga đề xuất: “Những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh rất lớn, có thể tổ chức giám sát hình thức xe đưa đón học sinh. Tôi cũng rất mong muốn các đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung này. Đặc biệt, với những địa phương đã từng xảy ra những sự việc tương tự như thế thì nên có một chuyên đề giám sát và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh.”

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, không phải đến khi vụ việc xảy ra mới quan tâm, xem xét mà cần hành động ngay và đưa ra những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để không còn trường hợp đáng tiếc nào như vậy xảy ra.

“Đến giờ phút này phải là một sự cảnh báo mạnh mẽ. Cảnh báo để hành động. Mà hành động trước hết là rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non, đến đối tượng là trẻ mầm non để làm sao không tái diễn. Đối với những chiếc xe chở trẻ mầm non nên thiết kế sao cho người ngoài có thể nhìn thấy, phòng trừ trường hợp bất khả kháng. Chứ cứ điều hòa, đóng kín, thiết kế theo kiểu ngôi nhà di động, dán kính đen thì tầm quan sát bên ngoài vào rất khó”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất.

Có thể thấy rằng, việc đưa đón học sinh là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón học sinh phải là những người có trình độ kỹ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, có người giám sát. Bởi chỉ cần thiếu trách nhiệm trong một khâu nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.