Với mục tiêu là xây dựng trục sản xuất mới cân đối lại nhu cầu nguồn nước nên hiện giờ, đồng bằng Sông Cửu Long xác định thủy sản là ưu tiên hàng đầu thay cho ưu tiên trước đây là lúa, thủy sản, trái cây. Việc cân đối lại nhu cầu nguồn nước để ba vùng thượng nguồn, trung và vùng ven biển thích ứng với cơ cấu chung, vừa thích ứng để có không gian phát triển đối tượng sản xuất vừa thích cứng với thị trường thế giới. Theo tiến sĩ Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Để Đồng bằng Sông Cửu Long có thể ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó có việc đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân hiện đang là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng và đây cũng là nhiệm vụ mà Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành cũng như các tổ chức khác để tìm giải pháp.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ nét đến môi trường và cuộc sống của con người. Chúng ta không thể dự đoán được mức độ khan hiếm nước ngọt trong tương lai nên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sẽ là một trong những cách thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam khẳng định, ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là khó khăn về biến đổi khí hậu với môi trường, về tốc độ tăng dân số. Vấn đề ô nhiễm môi trường cùng tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đăc biệt đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã tác động lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của ngành cấp thoát nước Việt Nam.

Còn theo phân tích của bà Phan Mai Linh, Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng do nhu cầu nước để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cả tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, nếu không có các cơ chế chính sách hay kế hoạch cụ thể để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước thì trong tương lai, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước là điều hiển nhiên.

Cho đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước của chúng ta được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu về quản lý tài nguyên nước. Điều quan trọng là việc triển khai trên thực tế để những chính sách đó đi vào cuộc sống, đảm bảo quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, về các gải pháp cấp nước cho đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đến năm 2030 sẽ cấp được 3,27 triệu m2 nước ngày/đêm, chia làm 3 vùng cấp nước là vùng Tây Nam sông Hậu gồm 7 tỉnh, vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và vùng Bắc Sông Tiền, 2 vùng này là 6 tỉnh.

Còn tiến sĩ Trần Văn Huy, điều phối quốc tế, Hội nước Australia nêu kinh nghiệm từ việc sử dụng và bảo tồn nguồn nước của quốc tế. Trên toàn thế giới có khoảng 15 nghìn trạm xử lý nước biển, tập trung nhiều ở các quốc gia như UEA, Ả rập hoặc Israel. Trong đó có 270 trạm xử lý nước biển tại Australia với quy mô vừa và nhỏ. Ước tính hàng năm những trạm xử lý này sẽ cung cấp 880 triệu m3 để phục vụ các nhu cầu sử dụng nước. Lượng nước cung cấp này sẽ phục vụ tích trữ cho các đập, khi mức nước trong các đập giảm sâu xuống dưới 60% thì các trạm cung cấp nước này sẽ được kích hoạt hoặc gia tăng công suất. Nếu gia tăng lượng mưa hoặc mức nước trong các đập lớn lên thì các trạm này sẽ giảm công suất hoặc ngừng hoạt động.

Trong mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, một trong những mục tiêu được chú trọng là tăng hiệu quả sử dụng nước trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo việc khai thác và sử dụng nguồn nước bền vững. Do đó,những cách thức để phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó vấn đề phát triển và khai thác nguồn tài nguyên nước là một trong những mục tiêu quan trọng đang được chú trọng hiện nay./.