Sụp đổ khi công việc không được như mơ

Nhiều bạn trẻ khi mới ra trường rất nhiệt huyết và đam mê với công việc. Tuy nhiên, sau một thời gian, sự nhiệt huyết đó giảm dần. Theo chị Phạm Phương Thu, Giám đốc dịch vụ nhân sự, Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực toàn cầu NIC, điều này có những nguyên nhân:

- Kỳ vọng không thực tế: Nhiều bạn trẻ có kỳ vọng cao và đôi khi không thực tế về công việc đầu tiên của mình. Khi thực tế không như mong đợi, họ dễ cảm thấy thất vọng.

- Khi công việc trở nên nhàm chán và lặp lại, các bạn trẻ có thể cảm thấy thiếu động lực.

- Trong công việc không phải lúc nào các bạn cũng được công nhận hoặc nhận được phản hồi tích cực từ cấp trên. Điều này cũng có thể khiến nhân viên cảm thấy công sức của mình không được đánh giá đúng.

- Phong cách làm việc của bạn không hợp với văn hóa của tổ chức cũng có thể khiến suy giảm động lực cống hiến.

Chán việc - hãy dành thời gian tự hỏi bản thân

Theo chị Phạm Phương Thu, khi cảm thấy chán công việc hiện tại, điều đầu tiên các bạn trẻ nên làm là tự đánh giá lại bản thân và công việc để hiểu rõ nguyên nhân gây ra cảm giác chán nản là vì lý do gì. Có thể đó là do công việc quá đơn điệu, thiếu thử thách, hoặc không phù hợp với sở thích và kỹ năng của bạn.

Thứ hai, việc đặt ra các mục tiêu cá nhân là một cách để duy trì động lực và đam mê. Hơn nữa, với mục tiêu đó bạn có thể tìm kiếm cơ hội học hỏi và phát triển bản thân.

Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và giao tiếp thường xuyên với cấp trên về những khó khăn và mong muốn của mình cũng rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp công việc trở nên vui vẻ hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội học hỏi và phát triển cho bản thân.

Cuối cùng, việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng là một yếu tố quan trọng. Hãy dành thời gian cho các sở thích cá nhân và chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của mình nữa.

Nếu sau khi đã thử tất cả các cách trên mà các bạn vẫn cảm thấy chán nản, có thể đã đến lúc nên xem xét các cơ hội công việc mới phù hợp hơn với đam mê và kỹ năng của mình. Tuy nhiên, việc quyết định khi nào nên tìm một công việc mới cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc các yếu tố:

- Nếu các bạn cảm thấy công việc hiện tại không cung cấp cơ hội học hỏi và phát triển bản thân, hoặc không nhận được sự công nhận và khen thưởng xứng đáng… Đây là những dấu hiệu cho thấy các bạn nên tìm kiếm một công việc mới.

- Ngoài ra, nếu các bạn không còn phù hợp với văn hóa của công ty hoặc công việc hiện tại gây ra quá nhiều căng thẳng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chị Phương Thu cho rằng việc thay đổi công việc cũng là lựa chọn nên xem xét.

- Quan trọng nhất là bạn cần lắng nghe bản thân và đảm bảo rằng công việc bạn chọn không chỉ đáp ứng được nhu cầu tài chính mà còn mang lại niềm vui và sự phát triển cá nhân.

Những trường hợp “nhảy việc” có thể khiến bạn hối tiếc

Chị Phương Thu khuyên các bạn trẻ, các bạn nên ở lại nếu công việc hiện tại của ạn có tiềm năng phát triển hoặc nếu các bạn nhận thấy cấp trên và đồng nghiệp sẵn lòng hỗ trợ. Điều này có thể mang lại lợi ích lâu dài.

Ngoài ra, nếu công ty đang trải qua những thay đổi tích cực, hoặc nếu các bạn vẫn đang học hỏi và phát triển kỹ năng mới, việc ở lại sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp.

Cuối cùng, các bạn cũng nên xem xét việc ở lại nếu đã xây dựng được những mối quan hệ tốt trong công ty, mức lương và phúc lợi hiện tại đáp ứng nhu cầu của bản thân.

“Hãy đảm bảo rằng quyết định của bạn dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích dài hạn cho sự nghiệp và hạnh phúc cá nhân của mình”.

Sau khi đã cân nhắc các yếu tố và quyết định gắn bó với công việc, việc vượt qua sự chán nản và lấy lại động lực là vô cùng quan trọng. Để làm điều này, các bạn trẻ có thể bắt đầu bằng việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cả ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu này sẽ giúp cho các bạn có định hướng và cảm thấy hào hứng hơn khi đạt được.

Tìm kiếm cơ hội học hỏi và phát triển là một yếu tố cần thiết khác. Hãy tham gia các dự án mới, học hỏi từ đồng nghiệp và đăng ký các khóa học để nâng cao kỹ năng của mình.

Thay đổi môi trường làm việc cũng có thể giúp các bạn cảm thấy mới mẻ và tạo động lực. Thỉnh thoảng hãy thử điều chỉnh không gian làm việc của mình hoặc làm việc từ xa nếu có thể nhé.

Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp trên cũng rất cần thiết. Có khó khăn gì hãy chia sẻ với người quản lý của mình vì một môi trường làm việc thân thiện sẽ giúp các bạn cảm thấy thoải mái và có động lực hơn.

Cuối cùng, hãy tìm lại giá trị và ý nghĩa trong công việc, tìm kiếm những thử thách mới để khám phá thêm khả năng của mình.

“Các bạn hãy nhớ rằng mọi công việc đều có những thách thức riêng. Quan trọng là chúng ta cần kiên trì và không ngừng tìm cách phát triển bản thân”, chị Phương Thu khẳng định.

Nghe tư vấn của chị Phạm Phương Thu: