Nghe bài viết tại đây:
Trong căn nhà trọ ở Hà Đông, Hà Nội, mỗi ngày Trần Thành Trung lại ngồi trên chiếc xe lăn và dạy học.
Lớp học miễn phí của thầy Trung
Học trò của Trung không ai khác là những người khuyết tật từ các tỉnh phía Bắc, biết thầy Trung qua mạng xã hội và sự giới thiệu của bạn bè.
Dương Đức Tùng quê ở Hưng Yên đã lên Hà Nội 2 tháng để theo học lớp của anh Trần Thành Trung. Cũng như bao người khuyết tật khác, Tùng sợ cảm giác sống lệ thuộc vào gia đình và đồng tiền trợ cấp của Nhà nước. Tùng muốn mình sống độc lập.
"Em học SEO – tối đa công cụ tìm kiếm trên google. Em mong là học xong mình có thể làm được, tự kiếm việc về nhà và có thu nhập" - Tùng nói.
Lớp học thầy Trung có chiếc ti vi treo tường làm công cụ dạy học, những chiếc bàn nhựa màu xanh kê sát nhau. Cả thầy và trò đều ngồi xe lăn, cùng học cùng làm. Ở nơi đó, có những người đã tốt nghiệp và đi làm. Lê Thành Đức cựu học viên nay đã tự lập với sự nghiệp riêng chia sẻ.
"Khóa học SEO của anh Trung có ý nghĩa đặc biệt với em. Nó như là cơ hội, đến khi em mong muốn có công việc mang lại thu nhập ổn hơn" - Đức nói em đã có công việc phù hợp.
Để có thể vận hành lớp học này, Trung phải sắp xếp thời gian: dạy ban ngày, tối làm việc. Công việc buổi tối mới có tiền để Trung lo cho gia đình. Những học viên của Trung được đào tạo kỹ năng thiết kế web, SEO web…là những việc làm online, ít di chuyển và có thu nhập tương xứng. Tính đến nay Trung đã đào tạo được khoảng 50 học viên là người khuyết tật.
Tự vận động để tạo công việc cho mình
Năm 2022 Trần Thành Trung – Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital đã được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng bằng khen thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình tỏa sáng Nghị lực Việt Nam.
Trung bị bại não thể co cứng. Cậu em sinh đôi cùng dạng tật đã không qua khỏi. "Tôi không thắc mắc tại sao anh em tôi bị như vậy mà nghĩ mình phải sống như thế nào" - Trung nghĩ.
Tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng lưu trữ học của trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Thành Trung không biết bao lần thất vọng khi nhà tuyển dụng từ chối thẳng hồ sơ của mình chỉ vì "tôi là người khuyết tật".
"Tôi đi sửa máy tính, cài win máy tính dạo để có tiền sau tốt nghiệp" - sự rẽ ngang ngành nghề bắt đầu từ đây. Trung bắt đầu nhập máy tính cũ và đăng bán online. "Đây cũng là cơ duyên để tôi gặp vợ" - Trung kể.
Một lần xuống Hà Nội chơi, Trung đi phỏng vấn xin việc với tâm lý "chắc lại bị trượt thôi". Không ngờ được công ty chọn vào phòng kỹ thuật máy tính. Làm ở đây, Trung được đào tạo thêm về kỹ năng khác như marketing, SEO web...
"Khi Covid-19 ập đến, đơn hàng của công ty giảm hẳn thì bộ phận bị cắt giảm đầu tiên là marketing" - Trung lại thất nghiệp lần nữa chỉ khác là không thấy buồn. "Tôi vững vàng hơn khi được đào tạo thực chiến tại công ty và tự học trên Internet". Và Trung mở công ty cũng như các lớp đào tạo miễn phí cho học viên là người khuyết tật vận động.
Đến nay Trung đã đào tạo khoảng 50 học viên. Ngôi nhà trọ của gia đình Trung cũng chính là lớp học. Mong ước của thầy giáo là được hỗ trợ mặt bằng để nhiều người khuyết tật có cơ hội học và việc làm./.