Nghe chương trình tại đây:

Giới hạn chính là bản thân

Vũ Tiến Mạnh là vận động viên khiếm thị. Tháng 6/2023, Vũ Tiến Mạnh là một trong hơn 100 vận động viên Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12), tại Campuchia. Ở giải đấu này, Mạnh đóng góp 3 huy chương bạc.

"Chạy ngắn khác với chạy full marathon" - Mạnh nói. Cơ duyên đến với Marathon cũng là lúc Mạnh phát hiện ra giới hạn của mình. "Em cũng như các bạn khiếm thị luôn nghĩ rằng không thể chạy được đâu khi mình đã mất đi đôi mắt" - Mạnh nói.

Là vận động viên chạy ngắn của đội Hà Nội, Mạnh chạy không quá 2-3km/ buổi tập. Khi dịch covid-19 bùng nổ, Mạnh nghĩ đến việc chạy bộ. Khởi đầu là mục tiêu 1km/ buổi tập và thực hiện liên tục trong một tuần.

Thử thách tăng dần cho đến tháng 11 năm 2023 Mạnh bước chân vào vạch xuất phát giải chạy marathon 42,195km. "Thực ra em hay bất kỳ ai khi bước vào chạy đều muốn chinh phục cự ly full Marathon" - đó là điều Mạnh tự hào về bản thân.

Theo Mạnh, giới hạn là mục tiêu mà bản thân không dám nghĩ đến. Trong giải chạy tháng 11-2023, khi đạt đến 37 rồi 39km, Mạnh gần như kiệt sức. "Nếu ai đó nói với em thôi nghỉ đi đừng chạy nữa, có lẽ em nghỉ ngay" - Mạnh nhớ lại. Người chạy đồng hành với em động viên hãy cố lên và nghĩ đến điều tích cực. Mạnh chạy tiếp bằng ý chí. Khoảng 10 runner chạy cùng Mạnh đã cố tình chạy chậm lại để cổ vũ chân chạy khiếm thị đạt mục tiêu. "Em đã rất xúc động, các anh chị ấy có lực tốt hơn em nhiều nhưng họ đã hy sinh thành tích bản thân để cùng em về đích" - Mạnh chia sẻ. Cuộc đời ngoài kia còn rất nhiều người tốt nên không có gì em phải buồn!

Mục tiêu tiếp theo của Mạnh là Iron Man gồm 3 môn phối hợp: Bơi 1,9km eo biển, đạp xe 90km và chạy 21km. Đó là giới hạn lớn nhưng có gì đó thôi thúc Mạnh phải thực hiện.

Chạy đi, ngay cả trong bóng tối

Trước khi thực hiện ước mơ xa đó thì trong năm 2023 Mạnh đã làm một việc đó là thành lập CLB người khiếm thị yêu chạy Việt Nam - Việt Nam Blind Runner Club. Sáng thứ Bảy hàng tuần, khoảng 40 thành viên trong CLB lại cùng nhau ra sân vận động Hàng Đẫy để tập luyện.

Mùa đông rét mướt ở miền Bắc, không phải buổi tập nào cũng đầy đủ các thành viên. “Điều khó khăn nhất là nói lời tạm biệt với chiếc giường và chăn ấm vào lúc 5 rưỡi sáng”- Nguyễn Đức Nghị, thành viên CLB chia sẻ - "Mạnh luôn động viên khuyến khích từng người, từng sự tiến bộ nhỏ cũng được Mạnh và các bạn trong CLB ghi nhận".

Ghi nhận và khen khợi luôn là liều doping mà Mạnh dành cho các thành viên. Khương Thị Hằng kể về những tin nhắn với cậu em là chủ nhiệm câu lạc bộ: Trước khi đi ngủ, em hay nhận tin nhắn của Mạnh là ngày mai chị Hằng lên sân chạy cho em liên tục 8 vòng không nghỉ nhé hoặc là chạy 8 vòng thì mai chạy 6 vòng thôi chẳng hạn. "Nghĩa là bạn ấy hướng dẫn và đi cùng để xem khả năng, thể lực của mình như thế nào để bạn hỗ trợ mình bài tập" - Hằng nói.

Chạy trong bóng tối là điều không dễ dàng. Đức Nghị cho biết, người khiếm thị khó đi đường thẳng, theo quán tính, khi không có ai hỗ trợ thì sẽ đi đường vòng. "Mình không nhìn được, bứt tốc với tốc độ nhanh thì mình sẽ luôn có nỗi sợ trước mặt có gì không và có thể đâm vào".

Để chạy, người khiếm thị luôn có người đồng hành chạy bên tay phải. Họ được kết nối bằng một sợi dây ở tay. Thông qua sợi dây này, chân chạy khiếm thị sẽ kiểm soát được tốc độ theo người đồng hành cũng như điều hướng cho phù hợp với đường chạy. Đức Nghị đã đạt được những dấu mốc đầu tiên. Em có thể chạy dài hơn, 1km đến 5km, sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Còn với Khương Thị Hằng hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ, công việc bận rộn và nhiều áp lực. Hằng tham gia CLB là vì sức khỏe. Mạnh đã “dụ dỗ” người chị sau những buổi café. "Mạnh nói ôi chạy dễ cực. Lúc đầu em nghĩ mình không thể chạy được. Nhưng sau đó, em nhận ra chạy giúp giảm stress cực nhiều".

Chạy để xuyên qua bóng tối! Mạnh đã truyền thông điệp đó đến các thành viên và các bạn bè trên mạng xã hội./.