Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, hàng vạn tăng ni, phật tử và nhân dân đã tìm đến các chùa chiền, địa điểm Phật giáo, đảnh lễ chiêm bái Xá lợi Đức Phật- được xem là hiện thân thiêng liêng còn lưu lại của Đức Thế Tôn sau khi nhập Niết-bàn. Đây là cơ hội hiếm hoi, là duyên lành lớn đối với những ai có niềm tin Phật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh trang nghiêm, thành kính của nhiều phật tử, không ít người lại đến với Xá lợi trong tâm thế hiếu kỳ, tò mò, hoặc theo xu hướng “hành hương theo phong trào”, thậm chí coi đó như một "sự kiện hot" cần "check-in".

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Chúng ta đến với Xá lợi vì điều gì?

Xá lợi Đức Phật không phải là "bảo vật" để trưng bày cho thỏa mãn thị giác hay sự hiếu kỳ. Trong giáo lý nhà Phật, Xá lợi không chỉ là di vật còn lưu lại của Đức Phật hay các bậc Thánh Tăng, mà còn là biểu trưng cho giới, định, tuệ – ba nền tảng căn bản trong con đường tu tập. Bởi vậy, từ lâu, Xá lợi đã trở thành biểu tượng cao quý.

Chiêm bái Xá lợi là một hành vi thiêng liêng, mang ý nghĩa nhắc nhở con người về giá trị của sự tỉnh thức, sống hướng thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi, trí tuệ và giải thoát. Hành động đảnh lễ Xá lợi phải xuất phát từ lòng thành, sự kính ngưỡng và hiểu biết đúng đắn về Phật pháp, chứ không thể là hoạt động mang tính hình thức, càng không nên bị cuốn vào dòng chảy của tâm lý đám đông, tìm kiếm may mắn hời hợt hay mang màu sắc vụ lợi.

Việc chiêm bái Xá lợi, nếu được thực hiện bằng tâm cung kính, sẽ giúp mỗi người phát khởi thiện tâm, nuôi dưỡng chí nguyện tu học và sống thiện lương giữa đời thường. Thế nhưng, nếu thiếu đi sự tỉnh thức, hành động chiêm bái dễ trở thành một trải nghiệm bên ngoài, không mang lại giá trị nội tâm đích thực. Nếu thiếu đi tâm thành, việc chiêm bái sẽ dễ biến một nghi lễ tâm linh cao quý trở thành hoạt động mang tính hình thức. Lúc đó, cái chúng ta tìm thấy không phải là sự an lạc nội tâm, mà chỉ là những giá trị tạm bợ, thậm chí là sự lãng phí thời gian, công sức.

Chiêm bái không phải là để tìm kiếm phép màu. Không có “ơn trên” ban phát hay “thần lực” nào cứu độ, nếu bản thân không khởi tâm hướng thiện, không hành trì giới luật, không tự mình chuyển hóa thân – khẩu – ý. Cái tâm là gốc của mọi hành động. Đức Phật dạy rằng: “Tâm là gốc của mọi hành động. Nếu tâm thanh tịnh, mọi việc sẽ thanh tịnh”. Vậy nên, lòng thành chính là "chiếc chìa khóa" mở cánh cửa dẫn đến sự an trú trong giáo pháp. Đó là điều kiện tiên quyết để chiêm bái mang lại ý nghĩa sâu sắc – không chỉ với cá nhân, mà còn với cộng đồng, khi tất cả cùng hướng về những giá trị chân – thiện – mỹ.

Để các hoạt động chiêm bái Xá lợi trở thành nét sinh hoạt tâm linh lành mạnh, không cổ súy sự mê tín, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền các địa phương và cơ sở tổ chức trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận sự kiện với thái độ đúng đắn. Quan trọng hơn cả, mỗi người khi chiêm bái Xá lợi Đức Phật, hãy tự mình quán chiếu nội tâm, để hiểu rằng: đảnh lễ không nằm ở hình thức, mà ở sự chuyển hóa từ bên trong; hành hương không phải là để đến gần Xá lợi, mà là để đến gần hơn với chính mình – nơi Phật tánh sẵn có.

Chiêm bái Xá lợi Đức Phật là một duyên lành hiếm có được trong cuộc đời mỗi người. Nhưng duyên ấy chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi ta bước đi với sự khiêm cung, tỉnh thức và lòng thành kính sâu xa. Hãy để mỗi lần đảnh lễ không chỉ là một lần cúi đầu, mà thêm một lần nâng cao tâm hồn, nuôi dưỡng đạo tâm.

.