Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là con đường được nhiều quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới lựa chọn. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đang tích cực hội nhập và triển khai nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là người tiêu dùng và người sản xuất.
Lợi ích của nông nghiệp hữu cơ:
- Giúp duy trì và đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, từ đó phát triển nông nghiệp bền vững;
- Giảm sự ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo nước ngầm, sông, hồ luôn an toàn với người, cây trồng và vật nuôi;
- Bảo vệ sự sống của các loài động vật hoang dã, đối xử tốt hơn với các loài vật nuôi, giúp duy trì tính đa dạng sinh học cao;
- Hạn chế sử dụng các loại năng lượng đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài;
- Giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón độc hại còn dư;
- Không dùng các loại hoocmon tăng trưởng và chất kháng sinh độc hại;
- Chất lượng sản phẩm tốt, hương vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng
Miền núi tỉnh Khánh Hòa là nơi có nhiều tiềm năng phát triển các loại nông sản có giá trị cao như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát, măng cụt... Với lợi thế của người đi sau, nông dân miền núi Khánh Hòa đang chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ, gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Bà Cao Thị Thịnh, ở xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, gia đình trồng 5 sào bưởi, mỗi năm thu được 100 triệu đồng. Nhờ vườn bưởi, hiện nay, gia đình bà Thịnh đã thoát khỏi diện cận nghèo.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, năm nay, sầu riêng đem về nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng cho người dân. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sầu riêng Khánh Sơn còn được cấp mã số vùng trồng, xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Huy, kỹ thuật viên trang trại sầu riêng rộng 5 héc-ta tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn cho biết trồng sầu riêng hữu cơ không chỉ giúp mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng, tăng thu nhập của người nông dân mà còn giúp bảo tồn hệ sinh vật dưới đất, côn trùng trong vườn. Chính những côn trùng đó là thiên địch của những loài gây hại, giúp bà con có thể hạn chế việc can thiệp thuốc trong quá trình trồng sầu.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định: Xu thế chung của thế giới là có sự thay đổi về sản xuất, phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Họ quan tâm nhiều đến chất lượng, giá trị sản phẩm, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường, quan tâm đến phúc lợi, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, hướng thiện, hướng đến tự nhiên nhiều hơn. Vì thế các nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Do đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có vai trò rất quan trọng.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và vừa được phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, nền nông nghiệp nước ta đã có những tín hiệu tích cực:
- Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam:
+ 62/63 tỉnh, thành phố đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ;
+ Đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 175.000 ha, tăng 50% so với năm 2016;
+ Chủng loại sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ ngày càng mở rộng (đối với cả tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài);
+ Có khoảng 17.174 đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ;
+ Một số sản phẩm hữu cơ nhận được chứng nhận nước ngoài của Tổ chức ATC (Thái Lan), PGS, EU, USDA (Mỹ), Control Union...
+ Sản xuất chuỗi liên kết khép kín từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ có khoảng trên 40 địa phương, chuỗi hữu cơ tập trung các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại có quy mô lớn;
- Mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước hàng năm khoảng 500.000.000.000 đồng, tập trung tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 350.000.000 đồng/năm. Thị trường xuất khẩu chính là: Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Cambodia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan...
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT cho rằng có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ của các cấp; hệ thống văn bản, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ và nhận thức, sự quan tâm của xã hội, của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được nâng lên.
Vậy nông nghiệp hữu cơ là gì? Nhà nước đã có những chính sách nào để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ? Mời các bạn nghe toàn bộ phần giải đáp và tư vấn cho từng trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT: