Triển lãm “Nối” – nơi kết nối của nghệ thuật, di sản và cộng đồng
Từ ngày 14/7 đến 30/7, triển lãm hội họa “Nối” do Câu lạc bộ Họa sĩ màu nước Hà Nội (HWA) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức được diễn ra tại hai không gian triển lãm độc đáo: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Mây Thênh Thang Artspace. Với sự tham gia của 42 họa sĩ trong nước cùng các khách mời quốc tế, “Nối” là một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc của những sáng tạo nghệ thuật mang tinh thần kết nối sâu sắc. Triển lãm là hoạt động thường niên lần thứ tư của HWA, quy tụ những sáng tác màu nước đa dạng cả về đề tài lẫn phong cách.

Do số lượng tranh các họa sĩ gửi về rất nhiều và chất lượng đồng đều, chủ đề phong phú, Ban Tổ chức đã quyết định mở thêm địa điểm triển lãm. Không gian đậm chất cổ điển và hàn lâm như Văn Miếu hay hiện đại, chuyên nghiệp như Mây Thênh Thang đều có thể mang lại những trải nghiệm đặc biệt.

Cũng bởi tính kết nối ấy mà triển lãm không chỉ gói gọn trong giới hạn địa lý hay chuyên môn, mà là một không gian mở để “mọi người đam mê và yêu màu nước đều có thể tham gia”, như chia sẻ của họa sĩ Bùi Thanh Việt Hùng - Chủ tịch HWA. Theo ông Hùng, “Nối” là “cây cầu để kết nối mọi miền” và lan tỏa tình yêu nghệ thuật không rào cản về tuổi tác, nghề nghiệp hay vị trí địa lý. “Mình kỳ vọng người dân, du khách, khách tham quan sẽ cảm thấy hạnh phúc khi ngắm nhìn những tác phẩm màu nước. Chất liệu này rất trong trẻo và sẽ đem lại sự đồng cảm trong cảm xúc về phong cảnh, con người, tĩnh vật…”.

Chạm đến chiều sâu cảm xúc
Các tác phẩm trong triển lãm, từ cảnh sắc làng quê, rẻo cao, biển cả đến chân dung con người và động vật, đều thể hiện “những liên kết vô hình nhưng mãnh liệt” - giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và hiện tại. Họa sĩ Đoàn Thanh Hương góp mặt với bốn bức tranh chân dung mang đậm tính kết nối, từ hình ảnh thiếu nữ trong cổ phục Nhật Bình cách điệu đến những người phụ nữ vùng cao địu con trên vai. Chị chia sẻ: “Với mình, ‘Nối’ là sự kết nối giữa các nghệ sĩ với nhau và là sự tiếp nối tinh thần nghệ thuật - giữa kiến thức, chất liệu và cách mỗi người thể hiện để chạm đến những điều bình dị xung quanh mình”.

Trong khi đó, nhiều khách tham quan cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp cổ điển và cảm xúc mà màu nước mang lại. Anh Ninh Quang Trường - một khách tham quan chia sẻ: “Tôi thấy bất ngờ bởi sự phong phú và cá tính trong mỗi tác phẩm. Màu nước vốn dĩ đã gợi cảm giác về thời gian, nên khi được khai thác theo hướng cổ điển lại càng tạo nên chiều sâu và sự lắng đọng”.
Nối dài trải nghiệm – lan tỏa nghệ thuật
Không chỉ là nơi thưởng lãm nghệ thuật, triển lãm “Nối” còn là không gian trải nghiệm với hàng loạt hoạt động tương tác như demo, workshop in giấy dó, art talk, vẽ tranh cộng đồng… Qua đó, công chúng, đặc biệt là giới trẻ có cơ hội tiếp xúc gần gũi hơn với nghệ thuật màu nước.
Theo bà Nguyễn Liên Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Chúng tôi muốn đưa di sản đến gần hơn với công chúng thông qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Đặc biệt, Trung tâm sẽ là cầu nối để đưa nghệ thuật đến với giới trẻ - những người tiếp nối dòng chảy của văn hóa Việt Nam”.

Trong không gian giàu tính di sản như Văn Miếu - Quốc Tử Giám và sự phóng khoáng tại Mây Thênh Thang, triển lãm “Nối” đang góp phần làm giàu thêm dòng chảy nghệ thuật đương đại bằng một ngôn ngữ trong trẻo và đầy cảm xúc - ngôn ngữ của màu nước.