Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng tại Thủ đô, đề xuất mới đây của Thủ tướng về việc cấm xe máy và ô tô chạy xăng dầu trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026 được xem là động thái quyết liệt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, tính khả thi và mức độ đồng thuận xã hội của chính sách này vẫn đang là vấn đề được nhiều chuyên gia và người dân quan tâm.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2, TS Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, để đánh giá tính khả thi của đề xuất, cần xem xét một cách toàn diện nhiều yếu tố: kỹ thuật, kinh tế và xã hội.
Đề xuất này không chỉ là vấn đề riêng của Hà Nội, mà còn liên quan đến các cam kết quốc tế của Việt Nam về cắt giảm khí thải. Trong đó, giao thông đô thị là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn. "Tôi cho rằng đề xuất cấm xe xăng trong Vành đai 1 là bước đi tham vọng, vì vậy càng cần được chuẩn bị bài bản, với các kịch bản rõ ràng" , TS Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội còn nhiều bất cập. Trong khi đó, chính sách cấm xe xăng sẽ buộc người dân chuyển sang phương tiện điện hoặc phương tiện công cộng. TS Vũ Anh Tuấn đặt vấn đề: "Nguồn cung trạm sạc hiện nay chủ yếu nằm ở các khu đô thị mới hoặc trung tâm thương mại, phần lớn lại nằm ngoài khu vực trung tâm. Với khoảng 4-5 triệu xe máy thường xuyên lưu thông vào nội đô, thực tế là gần như không có trạm sạc phù hợp".
TS Vũ Anh Tuấn cũng lưu ý thêm về rủi ro an toàn: "Ngay cả việc sạc pin điện cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, chưa kể tới chất lượng xe điện và hệ thống giám sát an toàn hiện nay".

Một khía cạnh khác là tác động kinh tế đối với người dân. Chuyển đổi sang xe điện tuy là xu hướng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện tài chính để thích nghi ngay. Với những người vừa mua xe xăng mới, việc xử lý phương tiện cũ sẽ là một bài toán thực tế.
TS Vũ Anh Tuấn cho rằng: “Muốn triển khai chính sách quy mô lớn như vậy, nhà nước cần có lộ trình cụ thể, chính sách đồng bộ, từ xác định đối tượng được hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, đến quy chuẩn kỹ thuật và khả năng cung ứng xe điện trong nước".
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cấm xe xăng có thể giúp cải thiện chất lượng không khí, nhưng chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc giao thông. "Hiện trên 90% các chuyến đi trong đô thị vẫn phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Việc thay thế xe xăng bằng xe điện không giúp giảm lượng xe lưu thông, nếu không đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh".
Vì thế TS Vũ Anh Tuấn bảo vệ quan điểm: trọng tâm cần được ưu tiên là phát triển hệ thống giao thông công cộng. "Ngay cả tuyến metro số 2A khởi công từ năm 2008, đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, nhưng để hệ thống này thực sự phát huy hiệu quả thì cần thêm thời gian và thời gian ấy sẽ quyết định toàn bộ lộ trình chuyển đổi phương tiện", TS Vũ Anh Tuấn nói.
Chính vì vậy, trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, theo TS Vũ Anh Tuấn, cần có đánh giá đầy đủ về các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Những băn khoăn, thắc mắc của người dân cũng cần được giải đáp một cách rõ ràng và minh bạch. Có như vậy, chính sách mới có thể đạt được sự đồng thuận cao và phát huy hiệu quả thực chất trong đời sống.