Hôm nay (27/10), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn trước tình trạng công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc cũng như chế độ đãi ngộ với đối tượng này.

Lo lắng trước làn sóng nghỉ việc ở khu vực công

Theo Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022, cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu là nhân sự thuộc ngành y tế và giáo dục. “Số lao động nghỉ việc và chuyển việc trong ngành giáo dục là hơn 16.400 người, trong ngành y tế là hơn 12.100 người. Đây là vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm. Trong xã hội Việt Nam chúng ta không có nhiều nghề mà người làm nghề được xã hội gọi là thầy. Vậy mà trong hơn 2 năm vừa qua, số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm số lượng rất lớn trong số những người nghỉ việc và chuyển việc!”- đại biểu Nguyễn Huy Thái, tỉnh Bạc Liêu trăn trở.

Số lượng người lao động trong khối cơ quan nhà nước thôi việc để chuyển sang làm ở khu vực tư nhân với một số lượng lớn trong thời gian ngắn cũng khiến đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tỉnh Bắc Cạn băn khoăn. “Vẫn biết rằng việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào nhưng tình trạng dịch chuyển với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại như ở ngành y tế trong thời gian vừa qua thì rất cần phải có sự đánh giá đúng nguyên nhân và có giải pháp căn cơ, chiến lược”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tỉnh Bắc Cạn nêu ý kiến.

Trong phần thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Trường Giang, tỉnh Đắc Nông nêu kiến nghị cần sớm có giải pháp cho vấn đề này: “Trong số hơn 14 nghìn giáo viên nghỉ việc, rời khỏi khu vực công thì đa phần là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông. Đây có là vấn đề cần phải có đánh giá thực chất thì mới có được giải pháp phù hợp”.

Cải cách chính sách tiền lương mới “giữ chân” được công chức, viên chức

Theo các đại biểu Quốc hội, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng lớn lao động ở khu vực công nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư song chủ yếu là do chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với sự cống hiến. “Tôi cho rằng xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công sang khu vực tư, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục là bởi áp lực công việc, tiền lương, thu nhập trong khu vực công thấp”, đại biểu Tô Văn Tám, tỉnh Kon Tum đánh giá.

Cùng chung góc nhìn, đại biểu Thái Thu Xương, tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 giờ/ngày hoặc làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Với viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực công việc quá lớn. Tuy nhiên sự quan tâm đối với hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng”.

Từ thực tế đó, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng Nhà nước cần quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng, tỉnh Hà Nam đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức song cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, góp phần tạo động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương…

Để giữ chân công chức, viên chức, nhất là nhân viên trong ngành y, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tỉnh Bắc Cạn kiến nghị xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt cho lực lượng này. “Ngành y là ngành đặc biệt, được đào tạo đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. Sẽ rất khó để nuôi dưỡng đam mê khi mà áp lực công việc rất cao, thu nhập thì không đủ để trang trải cho những chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Tôi kiến nghị phải cải thiện chế độ chính sách với nhân viên ngành y sao cho phù hợp với đặc thù công việc, đồng thời có giải pháp để cải thiện môi trường làm việc”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Huy Thái, tỉnh Bạc Liêu thì cần phải đẩy nhanh cải cách chính sách tiền lương mới có thể níu chân người lao động ở khu vực công. “Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Khi thị trường kinh tế, lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, người có năng lực, người có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ công chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả”, ông Thái nhấn mạnh.