Đã trở thành truyền thống, cứ mỗi độ xuân về, các cấp, các ngành và các địa phương lại chung tay chăm lo Tết cho người nghèo. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa, không chỉ giúp cho các gia đình có một cái tết tươm tất mà còn lan tỏa hành động yêu thương và lối sống nhân ái ra cộng đồng. Tuy nhiên, Tết là dịp rất đặc biệt. Khi thực hiện việc trao tặng thì tặng gì, tặng như thế nào để mỗi gói quà tết đều thiết thực và mang giá trị nhân văn là vấn đề cần lưu tâm.
Thực tế cho thấy, đối tượng nhận quà rất đa dạng. Cũng là người nghèo, người yếu thế nhưng người sống ở thành thị, người ở nông thôn, có người lại ở khu vực miền núi, hay vùng sông nước… Hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau nên nhu cầu của người dân khác nhau.
Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu của đối tượng dễ bị tổn thương là khác nhau. Nhu cầu quà tặng vào các dịp và giữa các vùng miền với những điểm đặc trưng là khác nhau. Vì thế, để có được các mặt hàng, các món quà cả vật chất và tinh thần khác nhau phù hợp với các đối tượng, vùng miền, Hội Chữ Thập đỏ các cấp đã khảo sát nhu cầu của người hưởng lợi tại các địa phương có tính đến các yếu tố văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực để chuẩn bị các mặt hàng phục vụ cho đúng và sát với nhu cầu. “Quan điểm của Hội Chữ thập đỏ là trao quà mà người dân cần và mong muốn, không phải trao tặng những gì mà chúng ta có sẵn”, ông Pha khẳng định.
Ông Pha cho biết, để hiện thực hóa quan điểm trên, Hội Chữ thập đỏ triển khai mô hình Chợ Tết Nhân Ái, Chợ 0 đồng gồm các hoạt động hội chợ, tặng quà, vui Tết. Tại các phiên chợ, “người mua” không sử dụng tiền mặt, không cần mặc cả. Người “đi chợ” được phát phiếu mua hàng để được tự tay lựa chọn các mặt hàng thiết yếu cho gia đình trong dịp Tết như dầu ăn, muối, gạo, bánh kẹo, rau củ quả cho đến xà phòng, quần áo... với giá 0 đồng.
Tại đây, người dân còn được tham gia các hoạt động gắn kết cộng đồng như các trò chơi dân gian, may tặng áo dài, cắt tóc, tặng chữ thư pháp, các gian hàng trưng bày các sản vật địa phương, giao lưu văn nghệ,… Tất cả hoạt động đều hướng đến người hưởng lợi làm trung tâm, để mỗi người đến với Chợ Tết Nhân ái không chỉ để nhận quà mà còn thực sự tham gia hoạt động vui xuân đón tết. Với cách làm này, Chợ Tết Nhân ái trở thành “nơi trao - nhận yêu thương”.
Ông chia sẻ, để những phiên Chợ Tết Nhân ái diễn ra thành công và trọn vẹn, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam còn đặc biệt coi trọng công tác lựa chọn người hưởng lợi. Để không xảy ra tình trạng chồng chéo, thiếu công bằng, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã xây dựng một bộ công cụ, trong đó có các tiêu chí lựa chọn người hưởng lợi. “Việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi được họp và bình bầu từ cấp thôn. Đây là khâu then chốt, quyết định đến thành - bại của hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo. Bộ công có các tiêu chí lựa chọn mang tính bắt buộc, ưu tiên và tiêu chí phù hợp, chấm điểm để lựa chọn đúng đối tượng, niêm yết danh sách người hưởng lợi. Bộ công cụ này cũng đưa ra các nguyên tắc như tránh trùng lặp đối tượng, tránh dàn trải. Quy trình triển khai phải đảm bảo tính minh bạch, giải trình và quan tâm quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của ng hưởng lợi. Đó là thiết lập hòm thư góp ý, đường dây nóng, thiết lập cơ chế phản hồi…”, ông Pha cho biết.
Ông cha ta đã đúc kết “của cho không bằng cách cho”. Thực tế cũng cho thấy để mỗi phần quà trao đi, ngoài giá trị về vật chất còn chứa đựng ý nghĩa thì tặng gì, tặng như thế nào là việc làm không đơn giản. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa cử này có thể kham thảo “của cho” và “cách cho” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - đơn vị đi đầu trong các hoạt động nhân đạo của cả nước.
Nghe bài viết dưới đây: