Siêu bão số 3 với tên gọi Yagi, là cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua và được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng như một số đài khí tượng quốc tế đánh giá là hiếm thấy trên Biển Đông. Bởi vậy chỉ sau hơn một ngày "tấn công" vào một số tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam, đã để lại những hậu quả nặng nề khiến nhiều người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều cây xanh, nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học bị đổ, tốc mái, hư hại nặng nề…
Bão số 3 qua đi và bây giờ là hoàn lưu sau bão đang gây mưa lớn, thiệt hại nặng nề tại hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiều tuyến quốc lộ bị ngập lụt, sạt lở ta luy, giao thông bị chia cắt, nhiều nơi trong vùng cảnh báo 'tím'.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi cho biết, siêu bão Yagi là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông của Việt Nam trong vòng 30 năm qua, là một cơn bão có cấp độ tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão ở Việt Nam (trong vòng 8 tiếng đồng hồ đã tăng lên 4 cấp từ cấp 12 cho đến cấp 16). Đây cũng là cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền dài nhất từ trước tới nay. Thông thường các cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh thì khoảng sau 4 tiếng đồng hồ có thể giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới rồi nhưng riêng cơn bão này đã hoành hành gần 5 tiếng đồng hồ ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Một điểm khác biệt nữa là hoàn lưu của cơn bão này kéo dài khá nhiều ngày, bằng những trận mưa lớn kéo dài dẫn đến ngập lụt ở nhiều địa phương, đi cùng với đó là tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Với rất nhiều cái nhất như vậy nên ngay từ sớm cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, căng mình chiến đấu với sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên trong tâm thế chủ động, quyết liệt. Đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, các lực lượng, địa phương cùng sự chung tay nhân dân đã tạo nên sức mạnh đồng lòng, tuân thủ mọi khuyến cáo, quy định của lực lượng chức năng trong quá trình ứng phó với bão số 3.
“Phải thấy rằng chúng ta đã khá chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, vận dụng hiệu quả phương châm 4 tại chỗ nên đã hạn chế được thấp nhất những tổn thất về con người trước sự tấn công khủng khiếp của siêu bão Yagi. Đây là việc chúng ta đã làm khá tốt trong những ngày vừa qua”, ông Ninh khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông Ninh, các lực lượng chức năng cũng đã triển khai khá chủ động, sẵn sàng các phương an, lực lượng để kịp thời ứng cứu và ứng phó trong thiên tai. Về phía nhân dân, cộng đồng theo đánh giá của ông Ninh, không chỉ trong cơn bão số 3 mà trong những năm gần đây, nhận thức đã có sự chuyển biến rất rõ rệt, thể hiện qua sự phối hợp các đợt sơ tán di dời nhân dân trước khi bão đổ bộ, không có trường hợp người dân nào vì nuối tiếc tài sản mà trốn ở lại.
Ông Đào Ngọc Ninh cho rằng, bão số 3 qua đi và bây giờ là hoàn lưu sau bão đang gây mưa lớn, thiệt hại nặng nề tại hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiều tuyến quốc lộ bị ngập lụt, sạt lở ta luy, giao thông bị chia cắt, nhiều nơi trong vùng cảnh báo nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, rất cần tiếp tục phát huy sự chủ động ứng phó như những ngày vừa qua. Đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía bắc, các nguy cơ về sạt lở đất, lũ ống lũ quét tăng cao nên luôn phải trong tâm thế chủ động ứng phó để đảm bảo sinh mạng, cuộc sống tối thiểu cho người dân nhất là cho những cộng đồng tại các khu vực dễ bị tổn thương, dễ bị chia cắt, cô lập.
Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu nên cần lường trước tình hình rằng Việt Nam sẽ ngày càng phải chịu đựng các hiện tượng thời tiết cực đoan khó dự báo. Bởi vậy, công tác phòng chống thiên tai cũng như các kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân cần phải đưa thành một kế hoạch hành động mang tầm cỡ quốc gia, coi phòng, chống thiên tai không phải là nhiệm vụ của một mình Chính phủ hay của riêng một ngành nào mà là một loại kỹ năng cần sự tham gia của tất cả mọi cấp mọi ngành, thậm chí là mọi người dân.
“Công tác phòng, chống thiên tai thời gian gần đây đã có những chuyển biến lớn, từ “bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa”. Các địa phương đã có nhiều phương án hướng dẫn người dân phòng, tránh thiên tai với phương châm 4 tại chỗ và huy động sức mạnh cộng đồng”. Mặc dù khẳng định điều này nhưng theo ông Ninh, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, tập trung ưu tiên nâng cao kỹ năng của người dân địa phương trong ứng phó với thiên tai.
Ông Đào Ngọc Ninh nhấn mạnh, mất mát trong cơn bão số 3 và những hậu quả của hoàn lưu sau bão sẽ là một nỗi đau khó quên. Nhưng, đó cũng là bài học của tình đoàn kết, là phép thử của tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sự chủ động ứng phó, chung sức đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị. Những bài học này cần được tiếp tục phát huy, để tạo sự chủ động trong ứng phó, giảm thiểu thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra, hướng tới sự phát triển bền vững.
Mời nghe nội dung cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Ninh tại đây