Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Theo đó đã hoàn thành 17/22 mục tiêu, vẫn còn 05/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Qua quá trình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm.

Mục tiêu của Kế hoạch lần này là lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời cần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường trong nước và thị trường quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng bao trùm, phát huy vai trò của văn hóa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Đào Hồng Vận - đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là quá trình thường xuyên, liên tục phục vụ cho mục tiêu phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng về thể chế, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, vấn đề nông thôn - nông nghiệp - nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trật tự và an toàn xã hội.”

Trước những biến động to lớn trong nền kinh tế thế giới, dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, không thể dự đoán trước về khủng hoảng y tế, kinh tế, phát sinh nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, tập trung nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Khắc phục hạn chế, yếu kém, đạt hiệu quả cao hơn và tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM phân tích: “Đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt. Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao. Sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm. Đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển biến chậm. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu.”

Các đại biểu cũng nhìn nhận khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu hàng hóa nhưng còn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn. Việc ban hành và triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch còn chậm; thể chế liên kết vùng chưa đầy đủ, triển khai không hiệu quả. Việc kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn. Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Thiếu cân đối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, mới tập trung chủ yếu vào đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy; kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải logistics.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cho biết, “Liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nhằm tạo ra tính canh tranh cao hơn về kinh tế trong vùng. Vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả. Đề nghị trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực của trung ương”.

Đại biểu Chau Chắc- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ ra rằng: “Sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương và trong đầu tư chủ yếu chú trọng vùng lõi là các trung tâm, thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh, bổ trợ cung cấp nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu cho vùng trung tâm. Đề nghị cần đánh giá đúng những tồn tại liên kết vùng trong phát triển kinh tế trong những năm vừa qua, đưa ra giải pháp căn cơ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của liên kết vùng.”

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là một vấn đề lớn, quan trọng của đất nước mà chúng ta đã thực hiện nhiều năm nay. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và bất định, đặc biệt kể từ khi chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 đã đặt ra rất nhiều vấn đề cấp bách phải làm ngay. Việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới là cần thiết để phù hợp với bối cảnh mới đặt ra. Các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển kinh tế vùng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển… đều sẽ được quy định rõ tại Kế hoạch này, nhằm thúc đẩy kinh tế nước ra phát triển thực chất hơn, bắt nhịp cơ hội hội nhập, tận dụng cơ hội mới sau đại dịch, nâng cao sự tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất hiện nay để hướng tới phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị: “Tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được và phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện với một tư duy, tầm nhìn mới vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, không đi theo từng phân khúc, chia cắt mới có thể mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế. Đẩy nhanh công tác quy hoạch, thể chế, liên kết vùng, các mô hình kinh tế mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, thị trường lao động, mô hình hợp tác xã để nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu và đánh giá kỹ, phân tích sâu hơn những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc để xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới sát thực tế hơn và có những giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả hơn. Quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực mà nước ta có tiềm năng, lợi thế, cơ hội mới sau đại dịch làm sao trở thành ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.