Tại thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, nhắc đến cái tên Trần Quang Huy, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn. Người dân biết đến ông Huy không phải vì chức vụ ông đang đảm nhiệm, mà vì những gì ông đã làm cho quê hương bằng cả cái “tâm”, chữ “đức” và cái “tài”.

Xây dựng miền quê đáng sống

Thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu hiện có 386 hộ. Từ cách đây hơn 10 năm, nơi đây đã đi đầu trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Đến nay, An Hiền lại tiếp tục là điểm sáng trong xây dựng thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Đề cập sự đổi thay này, ai nấy đều tự hào, đồng thời luôn nhắc đến công sức, đóng góp của ông Trần Quang Huy, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn.

“Thôn chúng tôi đổi thay từ cảnh quan, môi trường, nếp sống cho đến nhận thức của người dân. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của những người lãnh đạo trong thôn, trong đó phải kể đến ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn. Ông ấy là người hết lòng vì sự phát triển của quê hương, đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được Đảng phân công”, bà Trần Thị Mến chia sẻ.

Trước đây, như bao làng quê khác, đường đi, lối lại ở thôn An Hiền chủ yếu là đường đất, cơ sở hạ tầng cũng thiếu và xuống cấp. Còn nay đã khác. Đường làng, ngõ xóm - nơi nào cũng được cứng hóa bằng bê-tông, đèn chiếu sáng hai bên đường. Cùng với đó là những hàng cây, bồn hoa đan xen ở khắp các con đường. Tại hầu hết các xóm còn có những bức tranh bích họa trên tường của các hộ dân.

Ở khu vực nông thôn nhưng nhà nào cũng được đánh số, các con ngõ đều được đề tên, chẳng khác gì thành thị. Thôn An Hiền có lẽ cũng không thua kém khu phố nào ở thủ đô khi có riêng một thư viện với 2.000 đầu sách các loại, một sân bóng lớn với các loại máy, dụng cụ tập luyện thể thao được bố trí ở xung quanh ngay tại giữa làng.

Đặc biệt, ở các nút giao, khu vực công cộng đều có camera an ninh, nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Tất cả kết hợp với nhau khiến cho nơi đây trở thành miền quê đáng sống.

Vì lợi ích người dân

Ông Trần Quang Huy là người có ý tưởng, đồng thời tích cực thúc đẩy và trực tiếp tham gia triển khai dự án “đường có hoa, nhà có số, tường có tranh bích họa”, làm sân vận động, khu tập thể thao, thư viện sách, lắp camera an ninh… Ông Huy cho biết tất cả những gì ông đã làm và tiếp tục làm đều xuất phát từ mong muốn xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh. “Lợi ích của tập thể và người dân là động lực thôi thúc tôi suy nghĩ, tìm tòi để làm gì đó cho quê mình. Hơn nữa, khi triển khai công việc, là người đứng đầu, mình không nhận trách nhiệm những phần việc được đánh giá là khó nhất thì mình biết phân cho ai?! Mình phải làm trước, làm gương và làm cho bằng được thì mình mới nói được người khác, nhân dân mới tin mình”, ông Huy tâm sự.

Ông Huy cho biết, năm 2011, khi triển khai ý tưởng xây dựng sân bóng và khu tập thể thao cho người dân trong thôn, cái khó nhất là công tác vận động người dân hiến hơn 3.000m2 đất. “Khu đất ấy ngày xưa là đất trồng rau nhưng vì nó nằm ở vị trí rất đắc địa nên phải chia cho toàn bộ các hộ gia đình, mỗi nhà một phần nhỏ. Để có một mảnh đất như thế khó khăn lắm. Phải vận động ròng rã 2 năm liền người dân mới đồng thuận”, ông Huy nhớ lại.

Khi được tất cả các gia đình đồng thuận hiến đất, ông Huy bỏ ra 15 triệu từ tiền túi của mình để đền bù cho hoa màu của người dân. “Đất vàng, mình phải chớp thờ cơ. Khi người dân đồng thuận rồi, mình phải triển khai ngay kẻo họ đổi ý là hỏng việc. Hỏng việc tập thể, mình là lãnh đạo là mình có lỗi. Lúc đó, tôi về bảo vợ đưa cho 15 triệu để ứng ra trước, xác định nếu sau này chính quyền không chi ra thì mình sẽ tặng”, ông Huy kể.

Sau đó, việc triển khai sân bóng khá thuận lợi. Không chỉ hiến đất, nhiều hộ gia đình còn xin đóng góp thêm kinh phí để mua sắm máy móc, thiết bị tập luyện thể dục thể thao đặt ở bên lề sân bóng với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng.

Nhìn lại những gì đã làm cho quê hương, ông Huy cho biết, yếu tố then chốt để làm được những việc tưởng chừng không thể là sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân. Minh chứng sinh động là việc quy tập hơn 300 ngôi mộ ở khắp các xứ đồng và trong khu dân cư về một khu tâm linh. “Bây giờ giải tỏa, giải phóng mặt bằng để thực hiện nhiều dự án của quốc gia, chỉ vì vướng mồ mả của 1-2 gia đình nên chưa thể triển khai. Vậy mà năm 2014, chúng tôi quy tập hơn 300 ngôi mộ về một mối với nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Việc này, ngay cả khi có tiền cũng chưa chắc đã làm được nếu không nhận được sự đồng thuận của người dân. Liên quan đến vấn đề tâm linh, chỉ một gia đình không đồng ý cũng không thể làm được”, ông Huy khẳng định.

Theo ông Huy, để tạo được sự đồng thuận, huy động được sức mạnh từ nhân dân thì người lãnh đạo phải xác định mình là công bộc của dân, đầy tớ của dân. Hơn thế, người lãnh đạo phải hội đủ các tố chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và quyết đoán.

“Năng lực cán bộ rất cần thiết nhưng tôi cũng thường nói, nếu thiếu tài thì cũng không lo. Anh thiếu tài thì anh có thể học hỏi ở người dân - họ tham mưu cho anh. Cán bộ chỉ là người đại diện lãnh đạo nhân dân thôi, chứ người dân thông minh hơn mình nhiều, giỏi hơn mình nhiều. Anh đừng có nghĩ mình là cán bộ mình giỏi hơn dân. Anh có tài đi chăng nữa nhưng anh không có phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng thì anh cũng không được người dân ủng hộ đâu. Người dân ủng hộ mới quan trọng. Không được dân ủng hộ thì cán bộ có tài mấy cũng không làm được”, ông Huy đúc rút.

Nghe bài viết dưới đây: