Hội nghị Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN (ASWC) lần thứ 10 tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Công tác xã hội góp phần quan trọng trong ứng phó đại dịch COVID-19” diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/9. Đây là hoạt động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức với vai trò là Chủ tịch ASWC giai đoạn 2020-2021. Trong khuôn khổ Hội nghị, Lễ Kỷ niệm 10 năm Hội nghị ASWC (2011-2021) đã được tổ chức.

Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội góp phần thúc đẩy nghề công tác xã hội và an sinh xã hội trong khu vực.

“Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phục hồi cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt với các nhóm yếu thế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Với việc sớm ban hành được Điều khoản tham chiếu, Kế hoạch hoạt động cụ thể và thông qua các Hội nghị được tổ chức hàng năm, Hiệp hội ngày càng tăng cường sự gắn kết giữa các cán bộ thực hành, nhân viên, giảng viên công tác xã hội và các trường đào tạo công tác xã hội…Đặc biệt, việc xuất bản Tạp chí Công tác Xã hội ASEAN, thành lập được Trung tâm Đào tạo Công tác xã hội và Phúc lợi xã hội ASEAN (ATCSW) vào năm 2019 và thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 năm 2020 là những kết quả nổi bật, ghi nhận sự phát triển không ngừng và đáng hoan nghênh của Công tác xã hội ASEAN.

Trong ngày đầu của Hội nghị, với các phiên họp mở, đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và các đối tác đã cùng chia sẻ và trao đổi quan điểm về vai trò của ngành công tác xã hội trong công cuộc phòng, chống và phục hồi sau COVID-19, trong đó tập trung vào lĩnh vực chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội. Những thảo luận tại Hội nghị sẽ làm cơ sở cho việc thúc đẩy xây dựng một hệ thống công tác xã hội và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp tại các nước thành viên ASEAN trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn có phiên chia sẻ của các diễn giả/chuyên gia quốc tế phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của con người, tập trung vào vai trò then chốt của nhân viên công tác xã hội trong việc giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19, cùng với việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cần thiết cho người dân ASEAN trong ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, chỉ ra những thách thức chính mà nhân viên công tác xã hội phải đối mặt trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần và chăm sóc cần thiết của nhân viên công tác xã hội với tư cách là người cung cấp dịch vụ chăm sóc.

Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị, các đại biểu xem xét và thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN ghi nhận; hoàn thiện Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 và những định hướng hoạt động của Hiệp hội trong tương lai.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN giai đoạn 2020-2021, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc - UNICEF và các đối tác liên quan thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện Lộ trình thực hiên Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 ghi nhận trong tháng 10/2021.

Với 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm hiện thực hóa 11 cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN được nêu trong Tuyên bố Hà Nội, bản Lộ trình sẽ giúp tăng cường hơn nữa vai trò xúc tác của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội và đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương.