Trước mỗi kỳ bầu cử, các địa phương trong cả nước đều tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vận động bầu cử. Đây là hoạt động rất quan trọng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm của đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Đến thời điểm này, danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được công bố. Các ứng cử viên sẽ có khoảng thời gian khoảng 3 tuần để tiến hành vận động bầu cử theo quy định. Quá trình vận động bầu cử cũng là lúc mà cử tri và ứng cử viên tiếp xúc với nhau một cách trực tiếp, thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, hoặc gián tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo ông Dương Trung Quốc, Đại biểu QH khóa XIV, có thể xem hoạt động vận động tranh cử như một đợt sát hạch đầu tiên trong mỗi chương trình hành động của các đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, với mỗi đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu cơ quan dân cử, cần có thời gian rèn luyện để có thể trưởng thành qua trải nghiệm thực tiễn từ lời ăn tiếng nói cho đến cách xử lý một đơn từ như thế nào để có hiệu quả nhất. Đặc biệt đại biểu Quốc hội cũng cần xây dựng cả những mối quan hệ với các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp để hỗ trợ trong việc thực hiện trách nhiệm của một đại biểu dân cử.

Nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dư luận đã có những đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu, truy vấn đến cùng những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội được cử tri đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ tạo sự hài lòng mà còn xây dựng thêm niềm tin đối với người dân. Tuy nhiên bên cạnh những đánh giá tích cực, trên thực tế, cũng còn có những đại biểu dân cử khi vận động bầu cử thì lời lẽ hấp dẫn, nhưng khi được bầu thì lại xa rời cử tri, xa rời chương trình hành động. Thậm chí có những đại biểu cả nhiệm kỳ rất hiếm khi phát biểu, không nói được tiếng nói của cử tri, hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói để ghi điểm.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, lời hứa là thể hiện quyết tâm chủ quan của mình. Từ lời hứa đến việc thực hiện còn là một khoảng cách và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, có những lời hứa có thể định lượng được, như hứa xây một ngôi trường hay làm một con đường…đó là những thứ nhìn thấy được và dễ thực hiện. Thế nhưng với một đại biểu Quốc hội, là người giám sát phản biện, thường chỉ tiếp cận được những vấn đề rất chung và hệ quả của nó là sự vận hành của toàn bộ bộ máy chính trị chứ không phải phụ thuộc vào riêng một cá nhân nào cả.

Ngay như bản thân ông, một đại biểu Quốc hội nổi tiếng với những lần chất vấn thẳng thắn, gai góc trước nghị trường Quốc hội, đi sâu vào các vấn đề xã hội, dân sinh, pháp lý được đông đảo người dân ủng hộ, thế nhưng cũng không ít lần ông nhận được những lá thư cũng như các cuộc điện thoại trách móc đầy gay gắt của cử tri.

“Để làm “tròn vai” cũng như thực hiện tốt trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội là bài toán rất khó, dù rằng có những việc người đại biểu cũng muốn thực hiện đến cùng nhưng thực hiện được hay không lại cần rất nhiều điều kiện và phụ thuộc vào cả những quy trình pháp luật. Điều quan trọng nhất cử tri cần ghi nhận và đánh giá là thái độ của người đại biểu Quốc hội có thực tâm theo đuổi vụ việc để thực hiện những điều mình đã hứa…”- Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Cũng từ những trải nghiệm của bản thân, đại biểu Dương Trung Quốc, cho rằng, một đại biểu Quốc hội không thể hiểu biết tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cho nên bên cạnh bộ máy giúp việc, bản thân đại biểu phải có tính chuyên nghiệp cao, phải mang trong mình sự dấn thân thì mới làm được tốt trọng trách được giao.

“Bản thân mỗi đại biểu Quốc hội, không phân biệt đại biểu hoạt động chuyên trách hay không chuyên trách đều có giá trị ngang nhau trong việc đưa ra quyết định vì vậy, đại biểu càng hoạt động tích cực, dấn thấn thì càng tốt, giúp cho hiệu quả của từng cá nhân phát huy tối đa”, ông Quốc nhấn mạnh.

Hiện tại, trong hệ thống các văn bản pháp luật chưa có quy định chế tài nào đối với việc hứa không đúng, làm không đúng lời hứa hoặc hứa nhưng không làm… Do đó, việc không tôn trọng lời hứa, hứa với động cơ không trong sáng, hoặc hứa nhưng không làm cũng đã ít nhiều làm cho uy tín của cá nhân người đại biểu dân cử suy giảm. Bởi vậy, điều mà nhiều người đề xuất là cần có cơ chế công bố công khai diễn biễn của kỳ họp Quốc Hội, HĐND, công khai lời hứa và kết quả thực hiện lời hứa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo các điều kiện để nhân dân theo dõi, giám sát.

“Cần hướng đến việc cho người đân được quan sát hoạt động của Quốc hội”. Đó cũng là mong muốn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Theo ông Quốc, trước đây ĐBQH biểu quyết bằng cách giơ tay,( mặc dù rất thủ công) hoặc biển báo in mã số của đại biểu, nên đại biểu đồng ý hay không đồng ý rất rõ ràng. Nhưng giờ đây khi ứng dụng công nghệ bấm nút, lúc đầu cho dù rất tiện lợi, chỉ tích tắc là ra tỷ lệ phiếu thuận, phiếu không tán thành, phiếu trắng hiển thị trên màn hình, song đó chỉ có con số và tỷ lệ chung. Người dân không được biết đại biểu nào ủng hộ, phản đối hay không có ý kiến về một vấn đề nào đó mà cử tri quan tâm.

Ông Dương Trung Quốc thẳng thắn bày tỏ: “Cách thức ứng dụng công nghệ trong việc bấm nút biểu quyết rất nhanh, rất chính xác nhưng lại không thể hiện được vai trò giám sát của người dân đối với mỗi đại biểu Quốc hội. Vì thế, Quốc hội trong nhiệm kỳ tới cần phải khắc phục điều này để người dân có thể giám sát được chính những người mình đã bầu ra”.

Ngày 23/5 tới đây cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ngoài việc phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng suốt của mỗi công dân, thì chỉ có sự minh bạch thông tin mới tránh những sự vận động bên ngoài hành lang bằng việc lôi kéo vật chất để lựa chọn những đại biểu dân cử xứng đáng, có tài, có đức..đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.