Năm 2010, nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Y khoa Vinh của con, vợ chồng anh Nguyễn Chương Thi ở xóm Lương Thiện, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An lo nhiều hơn vui. Nhà nghèo, 2 vợ chồng nuôi 5 đứa con đang ăn học, lấy tiền đâu mà đóng học phí, cho con xuống thành phố Vinh ở trọ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các hội đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm đã tới động viên, hỗ trợ anh chị làm thủ tục vay 20 triệu đồng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau này, khi các con lần lượt thi đỗ vào Cao đẳng Sư phạm Vinh, Học viện Hậu cần và Đại học Y dược Đà Nẵng, anh Thi cũng đều được vay vốn cho con đi học. Tổng số tiền vay lên tới gần 330 triệu đồng, một khoản tiền rất lớn với gia đình chỉ có 2 lao động, lại là hộ nghèo của địa phương.
Anh Thi bảo, nếu không có Nhà nước, con anh làm sao hoàn thành được ước mơ học hành. Giờ các cháu đã lần lượt ra trường, có công ăn việc làm ổn định, phụ giúp bố mẹ trả nợ. Đến nay, anh Thi đã trả được hơn nửa số tiền vay cho con ăn học. Năm 2016 anh Thi còn được vay 30 triệu vốn hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Kinh tế của gia đình từng bước được cải thiện, năm 2022 ra khỏi diện hộ cận nghèo. Anh vay thêm 20 triệu chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường để đào giếng khoan và nâng cấp sửa chữa nhà vệ sinh.
Cũng vay 30 triệu đồng cho hộ nghèo năm 2016, gia đình chị Vi Thị May Súng ở bản Mánh xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp mua bò về nuôi. Với kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia súc được tiếp nhận qua lớp tập huấn do UBND xã, hội đoàn thể và phòng Nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức, gia đình chị nuôi bò khỏe, chóng lớn, sinh sản đều. Trả được nợ ngân hàng, năm 2019, anh chị thoát nghèo và vay thêm 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để tiếp tục chăn nuôi bò sinh sản. Chị Súng cũng được vay 20 triệu từ chương trình máy tính cho 2 cháu đi học. Người siêng không cho đất nghỉ, năm 2023, anh chị tiếp tục vay chương trình hộ cận nghèo thêm 30 triệu để trồng keo. Nhờ vay vốn ngân hàng, từ chỗ tay trắng khi ra ở riêng, cuộc sống của anh chị đang ngày càng khấm khá, sung túc.
Có thể nói, nguồn lực của nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở Nghệ An được phát huy tốt hiệu quả; vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập tốt hơn, giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu (nhà ở, học tập, điện, nước, cải thiện môi trường sống,...) cho người dân; góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống, thay đổi ý thức cho đại đa số người nghèo; các chương trình tín dụng chính sách đã đạt được hiệu quả theo mục tiêu chương trình đề ra, đặc biệt là các chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng sản phẩm (GRDP) của Nghệ An đạt 7,14% (đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ), quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2-3%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 5,19%, hộ cận nghèo là 5,73%.
Kể từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng năm 2014, tín dụng chính sách đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, vì người dân; các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng quan tâm, coi trọng, coi đây là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu của địa phương; từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn, tập trung tăng trưởng tín dụng chính sách; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tối đa đối tượng chính sách tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Bùi Thanh An, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn:
10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, các tổ chức chính trị - xã hội ở Nghệ An đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn giải ngân nguồn vốn 27.475 tỷ đồng của các chương trình; đôn đốc khách hàng trả nợ đạt 20.347 tỷ đồng. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 30/6/2024 đạt 13.308 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ toàn chi nhánh NHCSXH; với 233.564 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn thông qua 6.146 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 3.804 thôn bản, dư nợ tăng 7.121 tỷ đồng (mức tăng bình quân hàng năm đạt 8%) so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW.
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành cơ chế quản lý và sử dụng nguồn vốn uỷ thác địa phương và hàng năm các địa phương, chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách cụ thể lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội gắn với các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương, góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương; thực hiện việc lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để phát huy hiệu quả của các hoạt động đầu tư, hướng đến mục tiêu các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nghệ An đạt trên 13.374 tỷ đồng, tăng 7.132 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8%/năm, trong đó:
- Nguồn vốn NHCSXH cấp 12.954,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 96,86%/tổng nguồn vốn, tốc độ tăng bình quân đạt 7,8%/năm.
- Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 419,3 tỷ đồng. Số dư nguồn vốn đến 30/6/2024 đã tăng gấp 5,5 lần so với năm 2014. Trong đó, có 11,7 tỷ đồng do doanh nghiệp, tổ chức khác thực hiện ủy thác gồm: Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh 10 tỷ đồng; Quỹ tín dụng tiết kiệm cộng đồng huyện Quỳ Hợp 1,2 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân khác 0,5 tỷ đồng.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW cho thấy các chủ trương lớn này của Ban Bí thư đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách ở cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay (2014 - 2024), tổng doanh số cho vay đạt 27.706 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 20.550 tỷ đồng (chiếm 74,2% doanh số cho vay). Đến 30/6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 13.357 tỷ đồng với 234.414 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 4.883 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,04% tổng dư nợ, giảm 8.963 triệu đồng so với năm 2014.
Chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, Nguyễn Quang Tùng cho biết về công tác ủy thác tín dụng chính sách:
Giai đoạn 2014 - 2024, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Nghệ An. Nhờ đó đã giúp 124.221 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 18.918 học sinh, sinh viên là con em gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính do các nguyên nhân khách quan được hỗ trợ tiền để đóng học phí, không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí; 51.115 người lao động được hỗ trợ vốn để tạo việc làm ổn định từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; 3.050 người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn để đi lao động tại nước ngoài; trên 209.611 ngàn hộ gia đình sống tại vùng nông thôn được hỗ trợ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm ô nhiễm môi trường vùng nông thôn; 10.754 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà, sửa chữa nhà ở, xóa bỏ tình trạng nhà dột nát, tạm bợ cho người nghèo; 1.463 hộ gia đình được vay vốn từ chương trình nhà ở xã hội; 56 doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 10.866 học sinh được hỗ trợ vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, 2.168 hộ đồng bào DTTS vay vốn theo nghị định số 28/NĐ-CP; hỗ trợ tạo việc làm và phát triển sản xuất kinh doanh cho 252 người chấp hành xong án phạt tù theo quyết định số 22/2023/QĐ-TTg….