Mời nghe nội dung tại đây:
Phóng viên: Thưa TS, gần đây, bạo lực đường phố xảy ra ngày càng nhiều. Chỉ một va chạm nhỏ, một lời nhắc nhở cũng có thể bùng phát thành ẩu đả. Theo anh vì sao con người ngày nay dễ bùng nổ cảm xúc như vậy?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Theo tôi, nguyên nhân chính là con người ngày càng ít kiểm soát được cảm xúc của mình. Cuộc sống hiện đại vội vã, con người bị áp lực quá nhiều nhưng lại thiếu không gian để giải tỏa. Khi cảm xúc tiêu cực bị dồn nén quá lâu, chỉ một tác nhân nhỏ cũng có thể khiến họ bùng nổ. Ngoài ra, những áp lực vô hình từ xã hội, công việc, cuộc sống cá nhân cũng góp phần làm gia tăng tâm lý căng thẳng, khiến con người dễ phản ứng cực đoan hơn.
Phóng viên: Có nghĩa là, sự tức giận lan truyền cũng là một yếu tố quan trọng?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Chính xác. Trong tâm lý học có khái niệm "tức giận lan truyền", nghĩa là khi một người bức bối, họ có thể trút giận lên bất kỳ ai vô tình va vào họ. Điều này tạo ra hiệu ứng dây chuyền khiến bạo lực dễ bùng phát. Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử nơi công cộng chưa được chú trọng. Không ít người coi việc phản ứng gay gắt hay xung đột như một cách khẳng định bản thân. Ngoài ra, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh cũng khiến tình trạng này tiếp diễn.
Phóng viên: Theo anh, những hình ảnh cổ súy bạo lực trên mạng xã hội có tác động như thế nào đến tâm lý và hành vi của giới trẻ?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Mạng xã hội tràn ngập những nội dung cổ súy hành vi hung hãn, khiến không ít người trẻ bị ảnh hưởng mà không nhận thức đúng đắn về hậu quả của bạo lực. Việc xem những video bạo lực, những lời thách thức trên mạng có thể khiến giới trẻ xem đó như một hành vi bình thường hoặc thậm chí là một cách để thể hiện bản thân. Khi bạo lực trở thành nội dung giải trí, việc áp dụng nó vào thực tế cũng trở nên dễ dàng hơn.
Phóng viên: Nhiều người có tâm lý "nếu không đáp trả, tôi sẽ bị coi là yếu đuối". Quan điểm này có phản ánh một hệ giá trị sai lệch không, thưa anh?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Sức mạnh thực sự không nằm ở nắm đấm, mà ở khả năng kiềm chế. Một người bản lĩnh là người biết kiểm soát cảm xúc và tìm cách giải quyết vấn đề bằng sự bình tĩnh. Việc dạy cho giới trẻ hiểu rằng kiềm chế không phải là yếu đuối mà là thể hiện sự trưởng thành là rất quan trọng. Nếu không thay đổi tư duy này, bạo lực sẽ tiếp tục được duy trì như một cách giải quyết xung đột.
Phóng viên: Một điều đáng lo ngại là khi xảy ra ẩu đả, thay vì can ngăn, nhiều người đứng quay video, thậm chí cổ vũ. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Đây là một lối sống vô cảm đáng báo động. Nhiều người chỉ nghĩ đến việc đăng tải video để hút tương tác, mà không ý thức được rằng họ đang cổ súy cho bạo lực. Cách hành xử này không chỉ làm tổn thương nạn nhân mà còn góp phần bình thường hóa bạo lực. Chúng ta cần có trách nhiệm cộng đồng, thay vì đứng quay phim, hãy tìm cách can ngăn hoặc báo cơ quan chức năng.
Phóng viên: Vậy theo anh, làm thế nào để giảm bớt nỗi lo bạo lực đường phố?
TS Nguyễn Tuấn Anh: Trước hết, cần giáo dục kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Một số quốc gia đã áp dụng mô hình bắt buộc những người có hành vi bạo lực tham gia các khóa học kiểm soát cảm xúc, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tái phạm. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cần mạnh tay hơn, đồng thời phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ giám sát và lực lượng thực thi pháp luật. Các chương trình truyền thông, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bạo lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức xã hội.
Phóng viên: Cảm ơn TS Nguyễn Tuấn Anh