Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 06 Chương, 07 Mục, 66 Điều, quy định về các chính sách: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy hoạch liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Sau 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và thẩm tra với những nội dung đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, song còn băn khoăn về tính đồng bộ, chồng chéo ngay trong dự thảo Luật và các luật liên quan.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng với thành phố trực thuộc Trung ương thì bên cạnh quy hoạch tỉnh cần có quy hoạch chung. Quy định như trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết, vì mỗi quy hoạch có chức năng khác nhau. Tuy nhiên, hai loại quy hoạch này đang có sự trùng nhau. “Nguyên nhân trùng nhau là do trước đây chúng ta chưa có quy hoạch tỉnh mà chỉ có quy hoạch chung. Quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng cho tất cả các ngành, các lĩnh vực, sau đấy, còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có quy hoạch tỉnh rồi. Chức năng của nó là định hướng phát triển, không có quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực nữa. Quy hoạch chung phải thực hiện chức năng là cụ thể hóa định hướng của quy hoạch tỉnh và nó phải thay thế cho nhiều ngành và lĩnh vực mà quy hoạch ngành không có, như cụ thể hóa về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng về kinh tế xã hội ở quy hoạch chung”, đại biểu Hoàng Văn Cường lý giải.

Nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy quy định tại điều 34 còn bất cập. “Báo cáo giải trình, tiếp thu đã gộp các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ ở phạm vi của quy hoạch chung để tránh tình trạng chồng chéo. Tuy nhiên, trong điều 34, lại vẫn quy định là có 4 loại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, gồm quy hoạch cao độ nền và thoát nước, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước, quy hoạch chất thải rắn và nghĩa trang. Nếu quy định như thế này thì còn vấn đề viễn thông, năng lượng, thủy lợi, điện sẽ phát triển ở đâu? Dự thảo Luật không thể hiện ở đây, tức là không có. Các yếu tố giao thông, thủy lợi, viễn thông, điện…đều có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta tách rời ra sẽ xảy ra mâu thuẫn”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường còn nêu ví dụ: “Chúng ta quy hoạch thủy lợi, thủy lợi làm con đê và không cho giao thông trên con đê đó. Như vậy là không có sự kết hợp giữa giao thông và thủy lợi”.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng chỉ ra những nội dung chưa rõ ràng, thống nhất về quy hoạch sử dụng đất được quy định tại dự thảo Luật. “Quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên và quy hoạch sử dụng đất của ngành xây dựng đang khác nhau. Các các điều khoản chưa đi đến sự thống nhất. Hai Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng) vẫn chưa ngồi lại được với nhau. Theo tôi, nên có một quy định thống nhất về sử dụng đất của quy hoạch đô thị nông thôn và quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh đánh giá.

Đánh giá cao phần tiếp tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo nhưng đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, cho rằng việc quy định như dự thảo Luật có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án triển khai gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…

Theo kế hoạch, phiên thảo luận hôm nay, ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 26/11/2024.