Hôm nay (6/6), Quốc hội bước vào phiên chất vấn đầu tiên. Vấn đề chậm, trốn đóng hảo hiểm xã hội không chỉ làm nóng nghị trường mà còn nhận được sự quan tâm của các đại biểu bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tuyên Quang là một trong số các đại biểu nêu ra thực trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội. Sau khi đưa ra số liệu về tình trạng người lao động bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Đại biểu đề nghị người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ nguyên nhân, cũng như cách khắc phục. “Việc chậm đóng BHXH gây ra hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động. Cụ thể, theo báo cáo thì có tới 206.468.000 người bị ảnh hưởng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục?”, đại biểu Ma Thị Thúy nêu câu hỏi.

Đại biểu Trần Quốc Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng đã chất vấn Bộ trưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền chậm đóng bảo hiểm, tính lãi đến năm 2022 là 8.560 tỉ đồng, chiếm 2,69%. Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội và tuyên bố phá sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động?”

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận có tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động với những số liệu cụ thể như các đại biểu nêu. Ông nhận trách nhiệm về vấn đề này, đồng thời lý giải nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH. Ngoài ra, một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, chưa hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có văn bản chỉ đạo BHXH Việt Nam với nguyên tắc thu đến đâu, ghi nhận đến đó và giải quyết kịp thời quyền lợi đối với 206.468 người lao động nêu trên. Để xử lý triệt để vấn đề, ông cho rằng phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. “Về lâu dài, tôi cho rằng phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội, sẽ quy định, bổ sung rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng. Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự....; sẽ trình với Quốc hội trong sửa đổi Luật Bảo hiểm, áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như việc dừng hóa đơn, thậm chí hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động mà không chấp hành việc đóng BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Quan tâm đến vấn đề này, bên hành Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm đóng, trốn đóng BHXH. Ông ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung rằng rằng phải có chế tài đủ mạnh nếu muốn giải quyết triệt để được vấn đề. “Có những doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phải đề xuất với Chính phủ xử lý nghiêm những đối tượng này. Ngoài phạt hành chính, cơ quan chức năng phải xử lý hình sự với đối tượng này”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình với giải pháp mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra cũng như ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng cần xem xét lại một số quy định pháp luật. Theo đó, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi để người lao động tham gia giám sát phía sử dụng lao động đóng BHXH. “Việc chậm đóng BHXH, người lao động không giám sát được. Họ cũng không kiểm tra được xem công ty có đóng BHXH cho mình không. Trách nhiệm về vấn đề này vì thế trước tiên thuộc về cơ quan bảo hiểm, tiếp đó là Bộ LĐ -TB&XH. Trong những năm gần đây, chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều, toàn bộ dữ liệu liên quan đến bảo hiểm và người lao động chúng ta đã có. Tại sao chúng ta chúng ta không quản lý được?!”, bà Nga bày tỏ.

Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Hệ lụy của thực trạng này là những tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội. Nhiều gia đình, người lao động rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Mong rằng sau buổi chất vấn hôm nay, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết một cách triệt để./.