Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quối hội tỉnh Lạng Sơn, đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thực hiện từ năm 2026. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là người lao động và chủ các doanh nghiệp với những góc nhìn và tâm trạng khác nhau. Dưới đây là nội dung cuộc bàn luận về chủ đề này với sự tham gia của chuyên gia trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Người lao động nửa mừng nửa lo
Chị Nguyễn Thị Hồng là nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội. Mỗi ngày chị phải làm việc tới 10 tiếng đồng hồ. Quỹ thời gian dành cho gia đình còn quá ít nên khi nghe đề xuất giảm giờ làm cho lao động ở khu vực tư xuống 44 giờ/tuần, chị mong chờ sớm trở thành hiện thực. “Tôi hy vọng cơ quan điều chỉnh lại giờ làm việc. Thay vì phải đi làm buổi sáng Thứ bảy thì làm 5 ngày/tuần và bằng cách nào đó khuyến khích người lao động tăng năng suất để đảm bảo sản lượng, công việc”, chị Hồng chia sẻ

Với lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp, giờ làm chính, giờ tăng ca nối nhau liên tục. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân khu công nghiệp ở thành phố Cần Thơ, cho biết hiện đang phải làm việc tới 16 tiếng mỗi ngày, không có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. “Tôi làm 12 tiếng/ngày, có hôm tăng ca là lên tới 16 tiếng. Khi tôi đi làm về, các con đã đi ngủ. Tôi mong có chính sách quy định theo hướng giảm giờ làm cho người lao động ở khu vực tư nhân để người lao động như chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi”, anh Hùng bày tỏ.
Tuy nhiên, dù làm việc từ 12-16 tiếng mỗi ngày nhưng anh Hùng vẫn không thể tích lũy. Anh lo khi giảm giờ làm rất có thể doanh nghiệp sẽ giảm lương, bởi sản lượng do công nhân tạo ra giảm sút. “Chi tiêu cho sinh hoạt bây giờ, cái gì cũng tăng mà lương giảm thì biết tính làm sao!”, anh Hùng lo lắng.
Doanh nghiệp thêm áp lực
Một số doanh nghiệp hiện đánh giá nhân viên theo kiểu “điểm danh” thay vì kết quả, hiệu quả công việc. Do đó, khi giảm giờ làm, sản lượng, chất lượng dịch vụ sẽ giảm, kéo theo doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Thậm chí, giảm giờ làm của người lao động còn dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, không đáp ứng được đơn hàng. Anh Bùi Minh Tuấn, Chủ tịch Vườn ươm khởi nghiệp doanh nhân trẻ, thừa nhận “Thời gian không phải là yếu tố quyết định hiệu quả, chất lượng công việc. Quan trọng là cách thức doanh nghiệp quản lý nhân sự, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế nào”, anh Tuấn chia sẻ.

Qua nghiên cứu và thực tiễn, bà Phạm Thị Thu Lan, chuyên gia trong lĩnh vực lao động và việc làm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng doanh nghiệp sẽ chịu nhiều áp lực khi giảm giờ làm cho người lao động ở khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ. “Áp lực đầu tiên với doanh nghiệp là phải tối ưu hóa hệ thống và quy trình sản xuất để bù đắp phần thời gian bị giảm. Tức là họ phải đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, tăng cường hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản lý…. Những yếu tố này đều làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, bà Lan phân tích.
Giảm giờ làm là xu thế tất yếu
Nền kinh tế của nước ta đang chuyển đổi từ “kinh tế tăng trưởng dựa vào số lượng lao động” sang “kinh tế dựa vào chất lượng và năng suất”. Việc giảm giờ làm cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội dài hạn. So với các nước trên thế giới, quy định về giờ làm việc của Việt Nam cũng đang ở mức cao.
“Trong số 155 quốc gia được khảo sát về quy định giờ làm việc ở khu vực tư có tới 2/3 quốc gia áp dụng dưới 48 giờ làm việc/tuần. Như nước láng giềng Trung Quốc, họ áp dụng 40 giờ làm việc/tuần. Ở khu vực châu Âu, một số quốc gia áp dụng 35 giờ làm việc/tuần. Thậm chí, nước Mỹ còn đang thảo luận để giảm từ 5 ngày làm việc/tuần xuống còn 4 ngày làm/tuần, tức là chỉ còn khoảng 31 hoặc 32 giờ là việc/tuần thôi”, bà Lan nêu dẫn chứng.
Bà Lan cho rằng, việc giảm giờ làm sẽ tạo ra những tác động tích cực cho đời sống, xã hội, giúp con người sống hạnh phúc hơn.
“Giảm giờ làm, người lao động sẽ điều kiện để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn sẽ giúp người lao động giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, phòng tránh được nhiều bệnh do làm việc quá sức. Khi chất lượng cuộc sống được cải thiện thì con người mới hạnh phúc được”, bà Lan phân tích.

Theo bà Lan, khi người lao động mạnh khỏe và làm việc trong trạng thái phấn khởi thì họ sẽ ít mắc sai sót trong quá trình lao động, không gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp và chính mình.
Hơn thế, chỉ khi giảm giờ làm cho người lao động thì doanh nghiệp mới có áp lực và động lực để đổi mới tư duy, cách thức vận hành, tự động hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả. Người lao động cũng phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, để việc giảm giờ làm đạt được hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu kỹ lưỡng số giờ làm việc/tuần, lộ trình áp dụng, đồng thời xây dựng các chương trình, có chính sách cụ thể để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao./.