Sáng nay (29/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo, đồng thời đánh giá cao quy định về việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND.
Giám sát bằng hình thức chất vấn tại HĐND
Quy định về việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND là điểm mới của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, được bổ sung và quy định tại Điều 60a. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, nội dung này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND trong thời gian tới. “Điều 60a quy định xem xét việc thực hiện Nghị quyết của HĐBD, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn. Đây là nội dung thiết thực. Việc bổ sung cho thấy tầm quan trọng của việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân”, bà Nguyệt đánh giá.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, quy định tại điều 60a sẽ nâng cao trách nhiệm của các chủ thể được luật quy định. Việc thực hiện trách nhiệm này còn thê hiện sự cam kết giữa các tổ chức, cá nhân thực hiện chất vấn với những kiến nghị mà cử tri gửi gắm giữa các kỳ họp.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, Điều 60a vẫn cần được điều chỉnh để phù hợp và thống nhất với Điều 60 của Luật hiện hành. “Điều 60 đề cập phạm vi thẩm quyền giám sát của HĐND không quy định thẩm quyền giám sát của Thường trực HĐND, trong khi Điều 60a lại quy định xem xét việc thực hiện Nghị quyết của cả HĐND và Thường trực HĐND. Bên cạnh đó, về thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, Điều 60a quy định thực hiện theo nội quy của Kỳ họp HĐND, trong khi Điều 60 hiện hành quy định thực hiện theo quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND”, bà Nguyệt nêu cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét quy định “người bị chất vấn phải chuẩn bị báo cáo tóm tắt việc thực hiện nghị quyết về chất vấn giám sát chuyên đề” tại điều 60a vì hiện chưa nêu rõ cụ thể về thời gian, trong khi Điều 60 hiện hành có quy định rõ về thời gian.
Đại diện cho cử tri của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đánh giá quy định tại điều 60a về việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND. Bà cho rằng mục đích của phần bổ sung này là để nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, theo bà cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, hiệu quả và tôn trọng hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát. “Cần quy định rõ thẩm quyền của Đại biểu Quốc hội, HĐND như thế nào đó để không bị trùng lặp, và rõ tiêu chí, rõ phương pháp, rõ mục tiêu đối với hoạt động giám sát đã được quy định trong luật”, bà Sửu chia sẻ.
Kiến nghị cho phép HĐND giám sát các cơ quan trung ương tại địa phương
Qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết HĐNH nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành. “HĐND đề nghị được quyền giám sát hoạt động của cơ quan trung ương tại địa phương như: Cục thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp. Đồng thời, kiến nghị xem xét bổ sung quy định đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương”, bà Xuân nêu cụ thể.
Bà Xuân cho biết cơ sở để đưa ra kiền nghị này căn cứ Điều 113, Hiến pháp quy định: “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân”.
Bà Xuân nêu cụ thể tại khoản 2, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ghi rõ: “Khi xét thấy cần thiết, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương”. Với cơ sở này, bà Xuân cho rằng phạm vi giám sát của HĐND tại địa phương là rất rộng, bao quát tất cả các đối tượng, lĩnh vực trên địa bàn, kể cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
“Quy định chính thức việc HĐND được giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước cùng cấp thuộc trung ương, đóng chân trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương. Qua đó, giúp cho chính quyền trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, đồng thời đảm bảo các định hướng, mục tiêu trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả. Với cơ chế kiểm soát của HĐND buộc các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm giải trình, cam kết hành động trước cơ quan đại diện của Nhân dân”, bà Xuân nhấn mạnh.