Cách đây 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển cả thế giới, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng anh dũng của một dân tộc anh hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ - Cây cột mốc bằng vàng”.
Lúc bấy giờ, không ai có thể nghĩ một đất nước nhỏ bé với quân đội còn non trẻ lại có thể đánh đổ được một đế quốc với quân số và trang bị vũ khí vượt trội. Theo PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dân tộc ta lúc bấy giờ đã huy động toàn lực cho Điện Biên Phủ. Bởi vì Điện Biên Phủ là một địa bàn rất xa các căn cứ của chúng ta (căn cứ Việt Bắc và căn cứ Thanh Nghệ Tĩnh) và cũng xa căn cứ chi viện của Pháp. Cho nên, thắng ở Điện Biên Phủ hay không phụ thuộc rất lớn vào việc chi viện cho Điện Biên Phủ như thế nào. Sức dân là điều luôn luôn nằm trong mọi chiến lược quân sự nói riêng cũng như mọi chiến lược phát triển nói chung.
Khát vọng độc lập từ ngàn đời của dân tộc đã thôi thúc quân và dân ta quyết tâm phải thắng địch tại Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt: Đợt 1, từ ngày 13/3 đến 17/3/1954; đợt 2, từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954; đợt 3, từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954. Dù có sự chênh lệch về lực lượng khi số quân của Quân đội nhân dân ta trên toàn chiến trường Bắc Bộ chỉ bằng 2/3 so với quân Pháp, nhưng với tinh thần quyết chiến của toàn Đảng, toàn dân cùng với chiến lược, chiến thuật sáng tạo và sự chỉ huy tài tình của Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng sau 56 ngày đêm.
Theo thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc Phòng, quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là “chìa khóa” để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và thực hiện phương châm này phải bằng những phương pháp, cách đánh cụ thể. Đó là cách đánh tiến chắc, đánh là chiến thuật vây lấn, tấn phá và triệt diệt quân địch. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta chưa có chiến thuật này và chiến thuật này hình thành trong quá trình thực tế. Đó là sự sáng tạo của quân ta, sáng tạo từ người chỉ huy, từ Tổng tư lệnh đến việc thực hiện nhiệm vụ của từng chiến sĩ, từng đơn vị. Nghệ thuật này sau này rất có giá trị với chúng ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.
Theo GS Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, Viện Chiến lược, Bộ Quốc Phòng, chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc, nhiều bài học quý báu trong bảo vệ tổ quốc cũng đã được ra đời từ chiến dịch này. Đó là bài học quyết đánh và biết đánh. Bài học về quyết đánh là: Mùa đông - xuân năm 1953-1954, chúng ta đã sang năm thứ 4 của giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta xác định phải quyết đánh, kiên định với kế hoạch tổng phản công… Còn bài học biết đánh là: Nhân thời cơ địch chọn Điện Biên Phủ là địa bàn có vị trí chiến lược ở vùng Tây Bắc, nhưng lại chọn thung lũng cánh đồng Mường Thanh... Điểm thứ 2 của bài học biết đánh là phương thức sử dụng lực lượng của ta. Điểm thứ ba của bài học biết đánh là người chỉ huy cao nhất đến thời điểm quyết định đã kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến phù hợp với trình độ và nghệ thuật quân sự của ta…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương. Chiến thắng lịch sử đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
70 năm đã trôi qua nhưng những giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị. Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập chiến công hiển hách Điện Biên Phủ trên không năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Đại tá, TS Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng thì tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” của Điện Biên Phủ, đã được phát huy để dân tộc ta chủ động nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải biết phát huy được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Lấy sức mạnh của dân tộc, sức mạnh bên trong là yếu tố hàng đầu, quyết định nhất cho quá trình hội nhập thành công.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, một chiến thắng vĩ đại nhất. Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.