Theo tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nguồn lực để thực hiện dự kiến là hơn 256.250 tỷ đồng.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong số 122.250 tỷ đồng dự kiến chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu là 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Sau khi nghiên cứu, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều cho rằng nguồn lực 122.250 tỷ đồng để thực hiện chương trình là không lớn. “Tôi vẫn giữ quan điểm dự toán chi số tiền này cho 2 giai đoạn là phù hợp. Bởi khi áp vào các mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn để sản phẩm của những nhiệm vụ có yêu cầu rất cao, thậm chí có những nhiệm vụ đòi hỏi phải đạt 100%, chưa kể các mục tiêu và nhiệm vụ khác cũng có yêu cầu giải ngân rất cao”, đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đại biểu Trình Lam Sinh lo ngại về khả năng đối ứng của địa phương nếu chương trình quy định như trong tờ trình. “Theo các báo cáo kinh tế và ngân sách cho thấy còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50% trở lên nên rất khó khăn cho việc đối ứng với tỷ lệ mà chương trình đã dự toán. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Bởi vì, hiện nay nhiều địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên khó đáp ứng được việc đối ứng với chương trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và nếu được thì chúng ta sẽ xây dựng về nguyên tắc, về cơ chế phân bổ cũng như khả năng đối ứng linh hoạt hơn để nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách.”, ông Sinh kiến nghị.
Cho rằng nguồn lực để thực hiện chương trình là không nhiều, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cũng lo lắng về phần đối ứng của địa phương. Tôi lưu ý về chuyện đối tác ngân sách của địa phương là 24,6%, tính ra là khoảng hơn 30.000 tỷ. Khả năng cân đối của địa phương rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh hiện nay còn trợ cấp từ ngân sách của trung ương”, ông Hòa bày tỏ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, chương trình nên cân đối, giảm tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương, đồng thời nâng tỷ lệ chi từ ngân sách trung ương cho chương trình này.
Theo nội dung tờ trình, trong số 256.000 tỷ đồng dự chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nguồn vốn khác chiếm tỷ lệ 12,4%, tương đương khoảng 15.000 tỷ. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng con số này cũng là “thách thức” đối với kế hoạch và mục tiêu đặt ra. “Nguồn vốn khác cũng khó khăn chứ không phải đơn giản. Đây chỉ nói vốn khác, nhưng không biết khác gồm việc gì, xã hội hóa như thế nào. Con số này lớn chứ không phải nhỏ, giai đoạn có 5 năm, cho nên đề nghị xem lại chứ đưa ra con số mà sau này tổ chức thực hiện không được, cuối cùng cũng lấy từ ngân sách của trung ương”, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.
Cũng lo lắng về khả năng huy động nguồn lực, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị xem xét, cân nhắc khi quy định tỷ lệ vốn khác là 12,4%. “Thực tiễn từ khó khăn của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, tôi xin đề nghị cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá, cân nhắc thận trọng khi xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp vì nguồn lực của mỗi địa phương khác nhau, đặc biệt đối với vốn huy động hợp pháp khác dự kiến chiếm 12,4% thì các địa phương khó khăn thì càng khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa”, bà Hằng nêu ý kiến.