Từ Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng để triển khai Nghị quyết từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL và được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (ICRSL) đã được hình thành trong bối cảnh đó với các hợp phần là các Tiểu dự án triển khai trên địa bàn 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự thay đổi, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu. Theo đó, nhu cầu về một trung tâm dữ liệu với thông tin đồng bộ, hiện đại, có thể cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho việc hoạch định chính sách phát triển theo phương châm “thuận thiên” là vấn đề cấp bách trong thời gian qua.
Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ khởi công Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu TN&MT của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”, do BQLDA làm chủ đầu tư. Đây là dự án mang ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển bền vững ĐBSCL và thành phố Cần Thơ.
Thành phần của trung tâm gồm: Hạ tầng phần cứng – hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Hệ thống máy chủ; hệ thống máy tính phục vụ nhân viên trung tâm; hệ thống mạng; hệ thống lưu trữ; hệ thống bảo mật; hệ thống quản trị CSDL tích hợp; phần mềm thương mại phục vụ vận hành các nghiệp vụ của trung tâm; trang thiết bị ngoại nghiệp; Hệ thống phần mềm nội bộ phục vụ quản lý điều hành và hỗ trợ ra quyết định: Nền tảng thu thập, cập nhật và quản lý dữ liệu; quản lý và dịch vụ dùng chung; nền tảng phân tích và khai phá dữ liệu; nền tảng kết nối; cổng thông tin công bố, khai thác thông tin dữ liệu.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL có khả năng tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, kinh tế - xã hội, ...), từng bước chuẩn hoá, khắc phục tình trạng thiểu hụt cơ sở dữ liệu, đồng bộ hoá các tài liệu thuộc khu vực ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được xây dựng làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT trong vùng ĐBSCL về Chính phủ điện tử và Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Trung tâm dữ liệu ĐBSCL không chỉ đơn thuần là một đơn vị công nghệ hoặc trung tâm dữ liệu. Trung tâm cần hiểu chuyên ngành khác để hiểu được nhu cầu của các đơn vị hưởng dụng và từ đó phát triển các sản phẩm dữ liệu phù hợp. Năng lực của trung tâm cần bao gồm kiến thức về nghiệp vụ và đặc tính dữ liệu chuyên ngành thống kê, dữ liệu quan trắc môi trường, và các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thủy văn và nông nghiệp.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu TN&MT của khu vực là hành động cụ thể của Bộ TN&MT trong việc triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền. Hoạt động Thu thập dữ liệu, xây dựng và triển khai hệ thống thông tin trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL đang đóng góp rất lớn vào việc phát triển bền vững của vùng này, cùng với các ứng dụng chuyển đổi số hóa trong dữ liệu sẽ thúc đẩy các cơ sở dữ liệu được hoàn thiện hơn và phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Trung tâm dữ liệu ra đời nhằm phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, hữu ích đối với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được xây dựng với hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung trên nền tảng công nghệ hiện đại để tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên ngành của vùng ĐBSCL và hướng tới mục tiêu đưa ĐBSCL thành “đồng bằng thông minh” trong tương lai.
TTTT