Hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy sử dụng công nghệ (Grab, Be, Gojek, MyGo, FastGo) và đội ngũ “shipper” tự do sẽ tạm dừng 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội. Dịch vụ giao hàng bưu chính, sàn thương mại điện tử và siêu thị có đăng ký vẫn được hoạt động trên cơ sở chịu trách nhiệm về công tác phòng dịch. Tuy nhiên, trước nhu cầu mua hàng của người dân tăng cao trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều ý kiến băn khoăn liệu quy định này có quá cứng nhắc, hợp lý và thực sự cần thiết?

Nỗi niềm, lo lắng từ người dân

Do yêu cầu công việc luôn bận rộn tối ngày, nên lâu nay, chị Nguyễn Thu Hiền, ở phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội thường xuyên sử dụng dịch vụ mua sắm online. Đặc biệt thời gian đây khi dịch bệnh phức tạp thì phần lớn hàng hóa, thực phẩm chị đều mua online rồi người vận chuyển sẽ giao hàng tại nhà. Chi Hiền cho biết, mua sắm online vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại hạn chế phải đi chợ, đảm bảo giãn cách xã hội. “ Đây cũng là một xu thế chung của các bà nội trợ, nhất là từ khi dịch Covid 19 bùng phát”, chị Hiền chia sẻ. Bởi vậy, khi Hà Nội có chủ trương tạm dừng các hoạt động vận chuyển hàng hoá thông qua app công nghệ, “shipper” tự do, chị Hiền tỏ ra băn khoăn, lo lắng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường. “Thành phố nên có cơ chế quản lý như thế nào để dịch vụ này được hoạt động bình thường, vừa tạo điều kiện công ăn việc làm cho đội ngũ shipper và cũng vừa hạn chế nhiều người dân ra đường mua lương thực, thực phẩm”- Chị Hiền bày tỏ.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có lẽ không chỉ chị Hiền, mà với nhiều gia đình, việc đặt hàng qua hệ thống giao hàng online luôn là lựa chọn hàng đầu. Đặc biệt là đối với người dân ở các khu vực nguy cơ cao, khu bị cách ly, phong tỏa.

Anh Đỗ Huy Hoàng, tài xế của hãng xe công nghệ Grab cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu mua hàng online tăng vọt, thậm chí có nhiều hôm anh không còn sức để nhận đơn. “Nhu cầu dùng dịch vụ của người dân cao mà bây giờ phải dừng hoạt động cũng sẽ bị động cho nhiều người. Còn chúng tôi cũng không biết sẽ phải mưu sinh như thế nào khi không được đi làm…”. Nén tiếng thở dài với tâm trạng đầy lo lắng, anh Hoàng băn khoăn: “Nếu không có shipper giao hàng, mọi người đều phải ra ngoài mua đồ ăn, thực phẩm... thì càng khó bảo đảm sự giãn cách xã hội để phòng chống dịch”.

Và nếu như con số mà anh Hoàng chia sẻ, bình quân mỗi ngày anh nhận khoảng 20 đơn giao hàng, điều đó cũng đồng nghĩa là sẽ giúp tiết giảm hàng chục lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông, đảm bảo thực hiện tốt hơn lệnh giãn cách xã hội...

Phản hồi từ phía Grab trước lệnh cấm

Trao đổi với phóng viên VOV2, đại diện hãng xe công nghệ Grab cho biết, hiện hãng xe công nghệ này đã có văn bản do bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab ký, gửi Sở Giao thông Vận tải và Sở Công thương Hà Nội. Trong văn bản gửi đi, Grab khẳng định, thực hiện Chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân thành phố, Grab đã tạm dừng kết nối các hoạt động vận chuyển qua ứng dụng. Đồng thời thường xuyên truyền thông, đề nghị các đối tác tài xế tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch covid- 19.

Trong văn bản có nêu: “Trong công văn 3461 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu 5 ứng dụng là Grab, Gojek, bee, mygo và fasstgo dừng vận chuyển hàng hóa, trong khi đang có rất nhiều đơn vị khác cùng cung cấp dịch vụ này trên địa bàn thành phố Hà Nội, là "chưa hợp lý và thiếu nhất quán với chính sách hiện hành của Nhà nước trong việc tạo lập, duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, cũng như có thể gây hiểu nhầm không đáng có về chủ trương của TP". Grab nêu quan điểm và đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét áp dụng các quy định một cách thống nhất cho toàn bộ thị trường.

Cũng theo khẳng định của Grab, trong thời gian vừa qua các dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa, đi chợ hộ đã phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu đang tăng cao của người dân. Khi chính quyền Hà Nội đang hết sức hạn chế việc người dân đổ xô tới các siêu thị, địa điểm mua sắm, làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì những dịch vụ giao hàng như GrabFood, GrabExpress, GrabMart hỗ trợ đắc lực cho người dân, cơ quan chức năng của thành phố trong giai đoạn giãn cách.

Trong văn bản mà hãng xe công nghệ Grab gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục hoạt động và cam kết đủ năng lực thực thi phương án hoạt động dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu qua ứng dụng. Thực tế, việc quản lý lịch trình, lịch sử tiếp xúc của các shipper công nghệ cũng có thể dễ dàng trích xuất từ ứng dụng. Hơn nữa, số lượng đơn hàng đặt trên ứng dụng chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu được đặt từ chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, bởi lẽ không phải hệ thống siêu thị nào cũng có sẵn lực lượng giao hàng đông đảo.

Dừng dịch vụ “shipper” có phải là giải pháp tối ưu?

Lý giải về việc dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy công nghệ, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, do đây là lĩnh vực không đăng ký kinh doanh, không có cơ quan nào kiểm soát, quản lý cho nên sẽ không có người quản lý và chịu trách nhiệm trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu mua sắm online của người dân, xe vận chuyển 2 bánh là nhân viên các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và các siêu thị vẫn được phép hoạt động, trên cơ sở có đăng ký và chịu trách nhiệm về công tác phòng dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa của các hãng xe công nghệ trong thời gian giãn cách khiến người dân có thể gặp khó khăn trong việc mua hàng online, tuy nhiên đây là biện pháp cần thiết. “Hiện nay đội ngũ tài xế xe công nghệ quá lớn, trong khi việc quản lý xây dựng quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân các tài xế giao hàng cũng như khách hàng hầu như không có. Hơn nữa người giao hàng trong quá trình làm việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, từ nhiều nơi khác nhau, có thể sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng diễn biến thêm phức tạp”- ông Quyền nêu quan điểm.

Trong khi đó, quan điểm của chuyên gia giao thông Thanh Lương thì việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa của các hãng xe công nghệ là không cần thiết. Ông cho rằng, chính đội ngũ giao hàng đã gián tiếp giúp giãn cách xã hội trong những ngày cao độ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm online của người dân vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, ông Lương đề xuất các hãng xe công nghệ nên giảm bớt số lượng đối tác tác xế và hoạt động phân theo địa bàn, khu vực, như vậy nếu có xảy ra sự cố gì thì sẽ đảm bảo việc truy vết được thực hiện nhanh chóng. An toàn hơn, cơ quan y tế nên ưu tiên tiêm vaccine cho đội shipper này.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện Chỉ thị mới, nếu có các vấn đề phát sinh, Sở sẽ theo dõi và tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội để có chỉ đạo cụ thể, theo hướng đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.