Bước đi đầu tiên kiến tạo hệ thống lưới điện siêu cao áp

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngành điện nước ta vẫn mang tính chất chắp vá 3 lưới điện của 3 miền Bắc - Trung - Nam và không cân đối. Thủy điện Hòa Bình đang vào tổ máy thứ 5, miền Bắc thừa điện còn miền Nam kinh tế đang phát triển khá mạnh, nhu cầu năng lượng cao nhưng không cân đối đủ.

Lúc bấy giờ có 2 phương án được đưa ra: (1) Miền Bắc làm đường dây bán điện sang Trung Quốc; (2) Phải làm đường dây dẫn điện từ Bắc vào Nam.

Ông Vũ Ngọc Hải - Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng kể lại: Qúy IV năm 1991, tôi gặp làm việc với thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, gồm có Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các chuyên gia kỹ thuật. “Thủ tướng hỏi ngành năng lượng chọn phương án nào? Tôi nói tôi chọn phương án 2”.

Trước đây trong tổng sơ đồ ngành điện, các chuyên gia đã dự kiến sẽ xây dựng đường dây cao áp Bắc - Nam, sau năm 1995 mới khởi công. Nhưng bối cảnh bây giờ thôi thúc ngành điện không thể kéo dài thời gian dự kiến. Miền Nam đang chờ điện.

“Về mặt kỹ thuật, đường dây này trước sau cũng phải làm. Nếu làm được sẽ nâng tính hệ thống của ngành điện và tạo sự linh hoạt trong điều hành điện, đồng thời xóa bỏ tình trạng lộn xộn của 3 lưới điện ở 3 miền. Đường dây 500kV mở đầu cho hiện đại hóa hệ thống điện Việt Nam.

Về kinh tế, miền Nam báo động một vài năm tới thiếu điện nghiêm trọng. Nếu đưa điện vào miền Nam sẽ kích thích, góp phần phát triển kinh tế cả nước.

Về mặt chính trị, đây sẽ là công trình được lòng dân vì “Miền Nam đi trước về sau”. Miền Bắc thì thừa điện, bán cho nước ngoài mà miền Nam thì đang thiếu, mình có tội lớn với đồng bào. Vì vậy đưa điện vào nam là hợp lòng dân”.

Việc xây dựng đường dây 500kV từng bị đánh giá là “chủ trương phiêu liêu, mạo hiểm và lãng phí”. Nhưng khi nghe ông Vũ Ngọc Hải trình bày các lý do cần thiết phải xây dựng đường dây Thủ tướng rất tâm đắc. Ông đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chung tay đưa công trình về đích.

Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam, đó như là “thời khắc nổ phát súng lệnh cho đội quân năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ”. “Có lẽ chưa có công trình nào mà Thủ tướng đi thăm nhiều như công trình này" - ông Hải nhớ lại.

Trong 730 ngày đêm xây dựng công trình, toàn bộ "binh hùng tướng mạnh" của ngành năng lượng hồi ấy đều được huy động cho đại công trường lớn nhất, dài nhất trong lịch sử - 1500km. “Gian nan vất vả không thể nói hết bằng lời, chỉ biết rằng hàng vạn con người đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ” – ông Trần Viết Ngãi - Nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phó ban Chỉ huy công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam chia sẻ.

Khối lượng công trình 1.500km trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam chưa từng thi công. Ở nước ngoài cũng phải mất gần chục năm mới hoàn thành. Nhưng Luận chứng kinh tế - kỹ thuật, Chính phủ duyệt ngày 25/2/1994 quyết định hoàn thành đường dây trong 2 năm. “Có lần anh Sáu Dân hỏi tôi thời điểm thiếu điện của miền Nam là khi nào? Tôi nói là 2 năm nữa nên ông quyết thi công đường dây trong 2 năm. Nếu đưa điện được vào năm 1994 thì đáp ứng được nhu cầu của đồng bào phía Nam. Hai năm đó đốc thúc chúng tôi, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất” - ông Vũ Ngọc Hải hồi tưởng.

Sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19 giờ 7 phút 59 giây ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến. Những công nhân, kỹ sư ngành điện sống trong giờ phút đó, tim như đánh rơi đi một nhịp.

“Khi anh Sáu Dân tâm tư đóng điện liệu thành công không? Tôi bảo anh yên tâm, sẽ thành công. Tôi chỉ lo nhất là vấn đề an ninh. Tôi cũng hồi hộp, chờ đợi. Sau ngày đóng điện, anh Sáu Dân đến tìm tôi. Anh đã lo đến mất ngủ, khi đóng điện thành công, vui quá cũng không ngủ được” - Ông Vũ Ngọc Hải kể lại. Lúc này một người là Thủ tướng, một người là Bộ trưởng, mới mở Sâm banh ăn mừng sau 2 năm đau đáu.

Không ngừng phát triển hoàn thiện hệ thống điện quốc gia

Công trình 500kV mạch 1 là công trình trọng điểm trong phát triển kinh tế đất nước, trong cả giai đoạn đầu và các giai đoạn về sau: Giải quyết tình trạng thừa điện miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990-1995 vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

Đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. “Một đất nước thống nhất không chỉ biểu hiện bằng thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ... mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng với đó là một lưới điện thống nhất”. (Trích từ ấn phẩm: Đường dây 500kV Bắc- Nam: Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam”, phát hành Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, 2018).

Đường dây 500kV mạch 1 đã nối liền dòng điện điện Bắc - Nam. Đây là công trình đặt nền móng cho những bước phát triển lâu dài của ngành điện. Đến tháng 9/2005, đã có thêm đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2, hóa giải nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội giai đoạn 2005-2008.

Từ thời điểm đó, lưới điện ba miền Bắc - Trung - Nam được nối với nhau bằng 2 đường dây 500kV với tổng chiều dài gần 3.500km và một loạt hệ thống đường dây 220kV khác. Tất cả tạo nên mạng lưới cơ sở vững chắc cho việc cung cấp điện chất lượng và ổn định. Đây cũng là công trình do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

So với thời điểm năm 1994, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang quản lý vận hành 7.996km đường dây (ĐD) 500kV, tăng 5,4 lần; 17.207km ĐD 220kV, tăng 9 lần; 30 trạm biến áp (TBA) 500kV với tổng dung lượng 33.300MVA; 123 TBA 220kV tổng dung lượng 54.188MVA. So sánh với các tổ chức truyền tải điện ở khu vực ASEAN, EVNNPT xếp thứ 3 về khối lượng quản lý vận hành ĐD và thứ 4 về tổng dung lượng máy biến áp.

Ở thời điểm này, đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Vũng Áng, Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi - Pleiku 2) đang được xây dựng. Cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện đang nỗ lực vượt qua thách thức: Giải phóng mặt bằng, dịch covid-19…để mạch 3 đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước./.