Nhấc máy điện thoại, bằng giọng nói nhẹ nhàng và thân thiện, chị Đinh Thị Hương Thảo, chuyên viên công tác xã hội, Phòng Tư vấn trợ giúp hành chính, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh lại thêm một cuộc tiếp chuyện với khách hàng mới. Cuộc trò chuyện hôm nay kéo dài tới gần một tiếng đồng hồ. Dẫu không nghe được lời giãi bày từ đầu dây bên kia, nhưng với câu nói động viên của nhân viên tư vấn trước khi kết thúc “Đừng buồn nữa, cứ cười thật tươi như thế chị nhé”, tôi biết lại có thêm một ca tư vấn thành công.

Cúp máy điện thoại, gương mặt của Hương Thảo rạng rỡ, bao căng thẳng, vất vả của công việc dường như được xua tan cùng với niềm vui của khách hàng. Gắn bó với Trung tâm công tác xã hội hơn 10 năm, ngoài vai trò là một tư vấn viên, chị Thảo còn tham gia công tác trị liệu tâm lý giúp khách hàng vượt qua được khủng hoảng ban đầu. Mỗi trường hợp là một tâm trạng và tình huống khác nhau, nếu không có kỹ năng sẽ thật khó để có thể hỗ trợ hiệu quả.

“Có thể nói mình là người hợp với nghề công tác xã hội nên dù công việc rất nhiều, vất vả vô cùng nhưng mình vẫn cảm nhận được niềm vui. Mỗi khi thân chủ được hỗ trợ, được giải tỏa khó khăn, vướng mắc thì không có niềm vui nào bằng niềm vui đó”, chị Thảo trải lòng.

Hơn 10 năm làm nghề, đến nay chị Thảo cũng không nhớ đã giúp đỡ, hỗ trợ cho bao nhiêu khách hàng, thân chủ. Nhưng với tâm niệm cho đi là còn mãi, chị luôn cố gắng chắt chiu những niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ để vun đắp cho một ngày mai tươi sáng hơn. Theo chị Thảo khi đã gắn bó với nghề công tác xã hội thì cứ yêu nghề, nhiệt huyết với nghề trước ắt sẽ được đền đáp xứng đáng.

“Mỗi lần giúp được khách hàng điều gì thì bản thân tôi thấy vui và hạnh phúc. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề. Tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau cũng cho tôi học hỏi được rất nhiều điều, rèn luyện tính cách bản thân ngày một tốt hơn”, chị Phạm Thị Hòa, chuyên viên công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã mở đầu câu chuyên bằng những lời bộc bạch mộc mạc và giản dị như thế. Và rồi như một mạch thời gian, chị say sưa kể về cái ngày chị “bén duyên” với nghề công tác xã hội.

Chị Hoà kể, ngay từ những năm học cấp ba mặc dù chưa có nhiều định hướng cho tương lai nhưng mỗi khi nhìn thấy những người thân của mình làm cán bộ lao động thương binh xã hội của xã đến giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, rồi hàng tháng đi phát tiền trợ cấp cho những người nghèo khó, chị đã ước ao được làm những việc tử tế như thế. Bởi vậy khi tốt nghiệp Trung học phổ thông chị đăng ký thi vào Khoa Công tác xã hội của trường Đại học Lao động xã hội. Rồi như một cái duyên với nghề, ngay sau khi học xong đại học, cũng vừa lúc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thi tuyển chuyên viên công tác xã hội.

Thấm thoắt đến nay cũng đã hơn 10 năm chị gắn bó với công việc thầm lặng này. Hàng trăm khách hàng đã được chị giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống. Thậm chí có nhiều người từ chỗ xa lạ nhưng sau đó đã trở thành thân quen như ruột thịt vì sự chân thành, cảm thông mà chị Hoà dành cho họ.

Chị Hòa cho biết, đối tượng hỗ trợ của nghề đặc thù này khá đa dạng, tập trung ở nhóm yếu thế, người cao tuổi, nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...Bởi vậy, ngoài việc đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, thì điều cần nhất là phải có cái tâm, sự bao dung, luôn biết lắng nghe, thấu cảm.

“Một nhân viên công tác xã hội phải có những nguyên tắc nghề nghiệp. Mình phải có tâm với khách hàng của mình trước rồi hỗ trợ hết mình thì khi đó những điều thầm kín nhất, khúc mắc nhất cũng được khách hàng cởi mở ra hết để tìm lối gỡ”, chị Hoà chia sẻ.

Dẫu không đo đếm sự thiệt hơn và đều chung một tâm nguyện là mang lại những điều tốt đẹp cho người yếu thế, nhưng đằng sau đó, không chỉ họ mà cả xã hội luôn mong muốn nhà nước cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để những chuyên viên công tác xã hội yên tâm gắn bó với nghề.

Mời các bạn nghe chia sẻ của những nhân viên công tác xã hội tại đây