Ngày 05/8, Thanh Ngọc (15 tuổi), Tường Vy (10 tuổi) và Nhã Uyên (3 tuổi) chia tay cha mẹ. Cha đưa mẹ vào bệnh viện sinh em bé. Khu nhà 3 em sống đang bị phong tỏa. 2 ngày sau khi mẹ vào viện, Thanh Ngọc sốt cao, em và Tường Vy dương tính với Covid-19 phải đi cách ly tập trung.

Ngày 07/8, 2 đứa trẻ trong khu cách ly nhận được cùng lúc 1 tin vui và một tin buồn. Mẹ đã sinh em trai, một đứa bé kháu khỉnh, nặng 2.4 kg, nhưng lúc này mẹ em cũng được xác định dương tính với Sar-CoV2. Cha và em bé mới sinh xét nghiệm âm tính được bệnh viện cho về còn mẹ thì vẫn một mình trong đó.

Ngày 18/8, bác sĩ gọi điện báo mẹ trở nặng, phải đặt máy xâm nhập.

“-Mẹ, mẹ sao rồi, mẹ đang ở bệnh viện nào?

-Cố lên Nhi ơi!”.

Thanh Ngọc cho tôi xem những dòng tin nhắn cuối cùng với mẹ. “Từ ngày 18/8, Zalo mẹ không hoạt động nữa, con báo tin với mẹ rằng con đã đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10, mẹ cũng không trả lời”. Từ đó, những dòng tin nhắn chẳng bao giờ còn có lời hồi đáp.

Chiều 02/9, Ngọc đi cách ly trở về thì sáng 03/9 nhận được tin mẹ mất. “Lúc biết tin con đang trên phòng ngủ, ba nói “dậy soạn đồ cho mẹ, mẹ mất rồi... Khi ở bệnh viện cách ly, con thấy trong phòng có cô có người thân mất. Lúc đó con nghĩ sau này mẹ mình cũng vậy thì sao, nhưng con không nghĩ nó thành sự thật”, Thanh Ngọc nhớ kỹ từng mốc thời gian nhưng em vẫn chưa chấp nhận được sự thật là Covid-19 đã cướp mẹ em đi mãi mãi.

Căn phòng cuối dãy trọ nghèo ở Khu phố 2, Phường Linh Trung, quận Thủ Đức nghi ngút khói nhang. Phòng chật chội, bừa bộn đồ đạc. Ti vi đã được gỡ ra để lấy chỗ đặt bàn thờ mẹ. Chiếc loa nhỏ kế đó phát ra từng tiếng niệm phật “Nam mô a di đà”.

Soạn cơm cúng, đốt nhang, Tường Vy bỗng dưng òa khóc khi nhắc về mẹ. “Lúc mẹ còn ở đây thì con ăn ở đây…Món nào mẹ nấu con cũng thích, mẹ dặn nhớ ăn uống đầy đủ, khỏe lên mai mốt mẹ về. Lúc đó con cũng tin. Con không giận mẹ nhưng con buồn lắm…

13 ngày từ khi mẹ mất, mỗi đêm bất giác nhớ về mẹ, Tường Vy lại khóc. Nó bảo, ban ngày có các bạn chơi cùng, còn ban đêm thì nó nhớ mẹ.

Xong xuôi cơm cúng cho mẹ, Tường Vy quay qua chơi với Nhã Uyên (3 tuổi) đang ôm khư khư bình sữa. Nó chỉ tay về hướng ban thờ khi nghe có ai đó hỏi về mẹ. Rồi lại chạy tót sang nhà cậu mợ cách đây 8 căn nhà trọ - nơi bố đã gửi em trai mới sinh cho cậu mợ trông dùm.

Bữa mới ẵm thằng bé về, chăm được 2 ngày mệt quá, tôi đổ bệnh luôn. Nhiều chuyện đến bất ngờ quá, lo không được. Giờ thì đành gửi cho em dâu chăm”, anh Thủy – cha của 4 đứa trẻ cho biết.

Đứa bé đã hơn 1 tháng tuổi, nó nặng 3 ký 2. Từ khi sinh ra nó chỉ được ở cạnh bên mẹ 2 tiếng đồng hồ. "Mẹ sinh mổ nên được đưa vào phòng hồi sức, 2 ngày sau bé tự thở và bú được, bác sĩ cho ra, bế về được 2 tiếng thì bác sĩ báo mẹ dương tính. Thế là tách mẹ với con luôn”, anh Thủy nhớ lại.

Cô em dâu đã hết sữa từ lâu, mùa dịch chẳng xin được sữa mẹ, thằng bé uống sữa bột từ đó đến giờ. “Thiếu hơi mẹ, ban đêm nó cũng hay “kiếm chuyện”, có khi nó “quậy” từ 11h30 phút tối đến 3h sáng mới chịu đi ngủ, cứ 5 phút là nó giật mình, nó khóc e e…”

Từ khi mẹ mất, Thanh Ngọc thường ngồi lì trên căn gác xép, em bảo bận học online. Căn gác xép dường như đã trở thành một “lô cốt” của Ngọc. Tường Vy nhanh nhảu nói thầm vào tai tôi, “Chị Hai dữ lắm, con lên hỏi chị ấy đuổi xuống đó cô”.

Nhưng, Thanh Ngọc không “dữ” như vậy, đôi khi em đóng cửa phòng khóc một mình vì sợ tụi nhỏ nhìn thấy chị Hai nó yếu đuối. “Nhiều lúc con xuống dưới nhà, con không dám nhìn bàn thờ của mẹ vì sợ không chịu nổi”.

Ngọc giữ nhiều hình ảnh về mẹ trong điện thoại. “Đây là hình em hồi nhỏ, còn đây là mẹ”, nói rồi nó vội tắt đi bởi nếu nhìn nhiều thì em sẽ không kìm được mà lại òa khóc.

Mấy ngày sau khi mẹ mất, Ngọc hầu như chỉ ngủ được một chút buổi trưa, còn buổi tối cứ nhắm mắt lại là nó thấy mẹ đang chăm các em. Thỉnh thoảng, nó lôi áo mẹ ra mà ôm ấp, hít hà.

Sau gần 3 tuần vợ mất, anh Thủy mới vào bệnh viện lấy kỷ vật, giấy báo tử và trả tiền viện phí… Trước đây, vợ anh ở nhà nội trợ nên anh yên tâm lái xe container triền miên ở Cảng. Giờ đây, anh đang nhẩm tính lại tương lai của mình và 4 đứa trẻ.

"Trước đây, toàn vợ trông mấy đứa nhỏ, nên giờ tôi phải trông nó, hết giãn cách, đi làm trở lại chắc cũng nhờ vả tùm lum. Nhờ vả người nhà giữ giùm 2 đứa nhỏ, còn 2 đứa lớn sắp xếp học bán trú chiều tối về, còn đi làm”.

15 tuổi nhưng chị hai Thanh Ngọc nói về tương lai như một người trưởng thành. Ba con chắc sẽ cực hơn sau khi mẹ mất. “Con sẽ phải mạnh mẽ hơn, phải lo cho 3 đứa em nữa, con sẽ cố gắng học, thay mẹ phụ các em học hành, ăn uống”.

Dịch Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, bao gồm trẻ em. Theo thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT TPHCM có 10.073 học sinh phổ thông đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch Covid-19.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội đã quyết định hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em.

Đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Thanh Ngọc, Tường Vy, Nhã Uyên và những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19 khác sẽ cần nhiều hơn một khoản hỗ trợ trước mắt. Ngoài vật chất, các em cũng cần cả những hỗ trợ về mặt tâm lý để có thể vượt qua và chữa lành những tổn thương sâu sắc mà các em đang phải đối mặt khi mất người thân trong đại dịch.