Phóng viên: Đáng lý sự đầy đủ của cuộc sống hiện đại sẽ khiến con người ta có thời gian và điều kiện để gắn bó và nghĩ về nhau nhiều hơn, thế nhưng, xem ra thực tế lại cho chúng ta thấy những điều ngược lại. Vậy điều gì đang tác động đến hôn nhân của các gia đình Việt, thưa chị?

Nhà văn Trang Hạ: Những áp lực không chỉ đến từ cuộc hôn nhân, đôi khi chịu sức ép từ đời sống kinh tế, định kiến so sánh vc mình với hàng xóm, con dâu mình với con dâu hàng xóm ví dụ thế. Đó là áp lực bên ngoài, còn bên trong chính là áp lực từ những nhu cầu, mong muốn và sự kỳ vọng của bản thân. Mình phải sống huy hoàng, đáng giá, mình có một trải nghiệm yêu đương tuyệt vời như thế thì mình sẽ phải có hôn nhân thật là đáng giá, kỳ trăng mật phải kéo thật là dài.

Nhưng có chuyên gia nói với rằng, cuộc hôn nhân của bạn bắt đầu từ khi có con, chứ trước đó là tuần trăng mật.

Và khi bạn chính thức bước vào hôn nhân thì các ông bố bà mẹ trẻ đều bắt đầu phải đổi vai thì họ chưa sẵn sàng hoặc học được cách dung hòa các bất ổn. Và đó là lý do mà các nốt trầm trong hôn nhân xuất hiện.

Phóng viên: Có thể thấy, đang có một số người nhầm lẫn về giá trị, xem nhẹ hôn nhân, coi hôn nhân chỉ như một cuộc chơi và sẵn sàng rời đi, lấy danh nghĩa sống cho chính mình khi gặp điều không vừa lòng. Và đây chính là thực tế cần nhìn nhận và điều chỉnh, thưa chị?

Nhà văn Trang Hạ: Cộng đồng có lý khi lo âu với những quyết định vội vã. Vì để bắt đầu hôn nhân thì chúng ta phải học được quản trị kinh tế, độc lập cảm xúc và độc lập về kinh tế. 3 điều đó làm nên cá nhân dộc lập trong một gia đình hạnh phúc chứ không phải là 2 cá nhân phụ thuộc vào nhau, ràng buộc vào nhau. Nên nếu không học được khả năng độc lập, tự quản lý cảm xúc tiêu cực, không đổ lỗi, tìm cách giải quyết chứ không tìm cách khóc ngoài đường thì đó mới là liều thuốc chữa cho hôn nhân.

Mình mong các bạn trẻ kiên nhẫn một chút, chậm một chút, dành thời gian cho bản thân, lắng nghe quan sát học hỏi tìm cách lớn lên. Bởi nói cho cùng sau đám cưới chúng ta phải học vào những “vai” mới. Học cách để hạnh phúc, học cách để bao dung, học cách để cùng nhau trưởng thành.

Phóng viên: Xã hội hiện đại đang chấp nhận những mô hình gia đình kiểu mới, đa dạng hơn và hôn nhân cũng vậy – cũng có những cặp đôi không cần đăng ký kết hôn vẫn sống hạnh phúc. Liệu điều này có khiến giá trị của hôn nhân, gia đình bị mai một, thưa chị?

Nhà văn Trang Hạ: Không. Quan niệm về gia đình cởi mở và đa dạng thì có một thứ không thay đổi là giá trị của gia đình. Đó là nơi nuôi dưỡng những mỗi quan hệ lành mạnh, những con người trưởng thành, nơi con người có thể trú ẩn, nơi có thể tìm kiếm được người có thể nhìn nhận giá trị của bạn như là bạn mong muốn… Những điều này nó làm nên “mái ấm” là nơi của những điều tốt đẹp nhất trong xã hội.

Khi mà định nghĩa về gia đình cởi mở hơn thì tôi hy vọng mọi người cũng sẽ cho người trong gia đình hạnh phúc một cách cởi mở như thế. Không đong đếm họ bằng thước đo cổ điển. Chẳng hạn phải ăn nên làm ra, nhà phải có “nóc”, phải có người làm việc lớn… Nó vô hình tạo nên gánh nặng và là kẻ thù của hạnh phúc.

Phóng viên: Nếu một cuộc hôn nhân đang khủng hoảng, theo chị, người trong cuộc cần phải làm gì?

Nhà văn Trang Hạ: Nên nói chuyện với người ở ngoài mối quan hệ vì thường trong một mối quan hệ chúng ta bị chìm đắm, ràng buộc mà đôi khi mình không đủ hiểu biết để hiểu là mình dang bị lạm dụng tinh thần, cảm xúc, thao túng tâm lý hay nấc thang bạo lực đang leo thang.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị!

Xin mời nghe cuộc trao đổi tại đây: