Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2, giá xăng tăng mạnh, trong đó giá xăng RON 95 và E5 RON 92 đều tăng 960 đồng đồng/lít. Trong đó, xăng RON 95 sau điều chỉnh đã vượt mốc 26.000 đồng/lít.

Như vậy, thị trường xăng dầu trải qua lần thứ 5 tăng liên tiếp, ở mức rất cao. Trước đó kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11/2 đã đưa ra giá xăng RON 95 vượt mốc 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm trở lại đây.

Việc giá xăng dầu đồng loạt tăng cao liên tiếp nhiều phiên khiến người dân không khỏi lo lắng bởi giá hàng hóa trong những ngày tới có thể sẽ tăng theo giá xăng dầu, tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày.

“Việc tăng giá xăng lên tới hơn 26 nghìn đồng một lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình nhất là với những hộ có thu nhập thấp và trung bình như gia đình tôi. Và khi dịch bệnh ngày càng phức tạp như mấy hôm nay, làm cái gì cũng khó kiếm ra đồng tiền thì tôi không còn cách nào khác là buộc phải thắt chặt chi tiêu trong mua sắm hàng ngày”, chị Nguyễn Thu Hiền, một người nội trợ ở phố Nguyễn An Ninh, Hai Bà Trưng, Hà Nội bộc bạch.

Chị Hiền dẫn chứng, đơn giản trước kia mua mớ rau muống chỉ 8 đến 10 nghìn một mớ, bây giờ phải tăng gấp đôi. Ngoài ra nhiều thực phẩm khác cũng bắt đầu tăng lên. Bởi vậy điều mà chị Hiền lo lắng nhất lúc này là các mặt hàng sẽ tăng theo kiểu “té nước theo mưa”…

Trên thực tế giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá xăng tăng liên tục và gần như không có kỳ giảm nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ theo giá xăng dầu.

Chị Nguyễn Thị Thùy Vân, một người bán hàng tạp hóa, bánh kẹo ở Ngõ 128c Đại La- Hà Nội cho biết, mấy ngày gần đây, do sự biến động của giá xăng dầu nên giá cả nhiều mặt hàng tăng lên khá rõ. Điều này khiến cho việc buôn bán của gia đình chị cũng chậm hơn.

“Không ít người dân trước đây có khi mua 2-3 sản phẩm một lúc nhưng giờ đây họ phải thắt chặt chi tiêu nên mua sắm rất ít”, chị Vân cho biết.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Và thậm chí nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa".

Trao đổi với PV VOV2, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng: Việc tăng giá xăng dầu trong ngày hôm nay 21.2 là một điều đương nhiên vì giá xăng dầu thế giới đã tăng rất mạnh thời gian vừa qua.

“Nước ta đã cố gắng kìm giữ mức tăng của xăng dầu chậm hơn mức tăng của thế giới nhưng giờ đây mức tăng quá lớn nên nhà nước cũng phải để giá xăng dầu đi gần hơn với giá xăng dầu thế giới”. TS Thịnh nêu quan điểm.

Cũng theo TS Thịnh, để làm chậm đà tăng giá xăng dầu, Việt Nam đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và quỹ bình ổn này đã phát huy rất tốt ở giai đoạn những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, thực tế quỹ bình ổn xăng dầu quá mỏng và không phải là giải pháp để có thể điều chỉnh lâu dài thị trường. Quỹ bình ổn chỉ như một tấm đệm đỡ những cú sốc đột ngột giúp các doanh nghiệp trong nền kinh tế thích ứng dần với sự thay đổi của giá cả.

“Với đà tăng liên tục thì quỹ bình ổn hạn hẹp cũng khó đủ sức kiềm chế đà tăng giá xăng dầu”.

Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa, TS Thịnh cho rằng, cần thực hiện tốt một số biện pháp, như tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường của Bộ Công thương và Cục Giá của Bộ Tài chính phải theo dõi sát sao giá thành sản xuất cũng như tác động của giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng trong nền kinh tế quốc dân để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đối với các doanh nghiệp vận tải, theo TS Thịnh cần phải có kế hoạch một cách khoa học để giảm thiểu vận tải một chiều và chạy xe rỗng để góp phần vào hiệu quả kinh doanh đạt cao hơn. Đồng thời phải có sở đồ phân phối lực lượng vận tải hợp lý nhất từ đó giảm thiểu các chi phí nguyên nhiên vật liệu cũng như các chi phí về quản lý. Về phía nhà nước cũng cần xem xét có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao như chi phí bến bãi, chi phí kho cảng…

Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Văn bản nêu rõ cơ quan điều hành cần chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.