Để bảo vệ môi trường sống, giảm lượng rác nhựa, các bạn sinh viên giờ đây đã và đang có những hành động thiết thực như không sử dụng túi nilon, mang đồ đựng khi đi mua thức ăn, không dùng ống hút nhựa mà thay bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, tre hoặc inox. Những hành động thực tế này đang được lan tỏa trong các trường đại học như chia sẻ của bạn Phan Thị Ngọc Diễm, sinh viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Nhựa hay chất dẻo tổng hợp không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo. Để phân hủy được các sản phẩm này hoàn toàn cần thời gian rất lâu: chai nhựa từ 450 -1.000 năm mới phân hủy hết, ống hút nhựa và túi nilon cũng phải mất từ 100 – 500 năm. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh sạch hơn như chia sẻ của bà Nguyễn Minh Hoài ở đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường 80 tấn nhựa và nilon trong một ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế lại không nhiều. Theo bà Lê Thị Khánh Vân, Hội Nữ trí thức Việt Nam cần có cách tiếp cận khác trong nhận thức cũng như xử lý rác thải nhựa, chẳng hạn như mua rác thải nhựa hoặc khuyến khích bằng cách giảm phí dịch vụ môi trường cho những người giảm hoặc hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, phân loại rác ngay từ nguồn.
Tái chế rác thải nhựa để tạo ra những sản phẩm mới có ích hơn là phương pháp được ưu tiên hiện nay bởi giúp làm sạch môi trường và tái sử dụng tài nguyên. Đây là điều cần thiết để giữ môi trường xanh – sạch./.