Nghiên cứu của Quỹ Plastic Soup của Hà Lan cho thấy, 73% các mẫu sản phẩm được thí nghiệm đều chứa vi nhựa. Nghiên cứu này được tiến hành trên cơ sở các phát hiện trước đó về sự có mặt của các hạt nhựa siêu nhỏ trong máu người, phổi và thậm chí cả ở thai nhi. Điều đó đang dấy lên những lo ngại về ô nhiễm chuỗi thực phẩm do ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa đại dương.

Nhựa trôi dạt ngoài biển có thể khiến sinh vật biển bị thương do nhựa cắt vào cơ thể hoặc có thể bị mắc kẹt hay bị ngạt khi ăn nhầm. Các mảnh vụn nhựa không chỉ gây hại cho động vật biển mà còn ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của con người khi vi nhựa có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau như nước, bia và muối. Theo bà Trịnh Thái Hà, giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa, việc chúng ta cần thực hiện là giảm việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy và không thân thiện với môi trường bằng những sản phẩm và vật liệu thân thiện hơn. Chúng ta tăng cường năng lực tái chế của hệ thống cũng như là quản lý một cách tốt hơn việc thải bỏ sẽ giúp giảm rác thải nhựa hiệu quả.

Đại dương chiếm 71% diện tích trái đất. Khi đại dương bị ô nhiễm do rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật biển và của cả chính chúng ta. Để hạn chế việc ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa việc đầu tiên và đơn giản nhất chính là hạn chế đồ nhựa dùng một lần. Đây cũng là lối sống xanh mà các bạn trẻ đang hướng tới nhằm hạn chế rác thải nhựa. Bạn trẻ Đinh Thị Hồng chia sẻ về lối sống hướng tới việc không rác thải nhựa của mình khi luôn theo nguyên tắc là sử dụng chai đựng nước cá nhân, giảm đồ nhựa thay thế. Khi mua nước ở ngoài thì bạn luôn mang chai nước theo hoặc dùng đồ lon vì đồ lon có thể tái chế.

Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà là sản phẩm nhân tạo nên thời gian để phân hủy được các sản phẩm này hoàn toàn rất lâu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chai nhựa cần từ 450 -1.000 năm mới phân hủy hết, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất từ 100 – 500 năm. Chính vì thế, những hành động thực tế của mỗi cá nhân không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống xanh sạch hơn như ý kiến mà ông Nguyễn Dương, Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Hoa Kỳ, Phòng Năng lượng môi trường và Biến đổi khí hậu nêu lên. Ông Nguyễn Dương cho biết thêm, thúc đẩy các nỗ lực chung tay để phát triển bền vững của cộng đồng bằng việc thay đổi hành vi của từng cá nhân trong xã hội. Đơn cử như việc giảm rác thải nhựa một lần như túi nylon. Đây là sản phẩm hiện tại đang được sử dụng rất nhiều nên để giảm số lượng túi nylon thì không chỉ giảm từ người sử dụng, giảm từ người bán và những người đưa túi nylon ra ngoài thị trường.

Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon trong một ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế lại không nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng để tái chế hiệu quả trong thực tiễn theo bà Lê Thị Khánh Vân, Hội Nữ trí thức Việt Nam cần có cách tiếp cận khác trong việc nhận thức cũng như khi xử lý rác thải nhựa. Bà Khánh Vân chia sẻ về cơ chế là mua lại rác thải nhựa và việc khuyến khích người dân giảm sử dụng rác thải nhựa thông qua cơ chế giảm tiền phí môi trường. Ví dụ như nếu bây giờ mức phí là 30 nghìn đồng/người thì đối với những người giảm rác thải thì chỉ đóng 20 nghìn đồng thì sẽ giúp giảm rác.

Để giải quyết nạn “ô nhiễm trắng” trên biển thì giảm đồ nhựa dùng một lần là một trong những giải pháp đang được thực hiện. Tuy nhiên, để làm được điều này hiệu quả và đồng bộ thì cần có lộ trình khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển sang sản xuất những sản phẩm phân hủy được. Song song với đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất hiệu quả.