Làm kinh doanh tại nhà kể từ khi tốt nghiệp Đại học đến nay đã 5 năm, chị Lê Thu Thảo ở Cầu Giấy - Hà Nội vẫn tham gia đóng BHXH hình thức tự nguyện đến nay đã là năm thứ 3. Với chị đó là khoản để dành cho tương lai.

"Chúng tôi không đi làm cơ quan, tổ chức, tự kinh doanh nhưng vẫn tham gia để sau hưởng các quyền lợi như khám chữa bệnh…Về già sẽ có một khoản lương hưu" - chị Thảo nói.

Nghe chương trình tại đây:

Chính sách ưu việt của BHXH được truyền thông rộng rãi đến từng người dân. Theo chính sách hiện hành, điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Chị Thảo cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm là hoàn toàn hợp lý.

"Bởi vì 20 năm là dài, trong khi với bảo hiểm thương mại rất linh hoạt 10, 15 năm cũng có. Việc giảm thời gian đóng sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn" - Chị bày tỏ.

Trên hội trường Quốc hội sáng ngày 23/11, các đại biểu cũng chỉ ra: điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH, việc quy định như vậy đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm. Vì vậy, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn, từ chỗ không có lương hưu, không có BHYT vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được chăm sóc sức khỏe bằng thẻ BHYT khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Với những người lao động làm việc trong khu công nghiệp, bảo hiểm xã hội là điều kiện quan trọng để họ gắn bó với công ty. Họ sẽ được thụ hưởng phúc lợi xã hội cần thiết như: khám bệnh, nghỉ thai sản hay hỗ trợ khi thất nghiệp…Trong bối cảnh bức tranh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc đơn hàng ít phải sa thải công nhân, thực sự hơn ai hết, những công nhân là người kỳ vọng vào việc sửa đổi luật BHXH lần này.

"Mình không biết là mình có điều kiện đóng đủ 20 năm để được hưởng không? Công việc bấp bênh, công ty sa thải nhiều. Mình vẫn đi làm nhưng bây giờ không tăng ca nữa…Nếu bây giờ thất nghiệp, muốn tham gia tiếp thì phải tự đóng" - anh Nguyễn Văn Hùng làm việc trong công ty chế biến thủy sản ở An Giang chia sẻ.

Hơn 10 năm đi làm, anh Hùng được công ty đóng BHXH đầy đủ, chưa bị gián đoạn. Anh coi đó là sự may mắn. Tuy nhiên, một năm gần đây, sự ‘phập phù’ của đơn hàng, lúc nhiều, lúc ít, đôi lúc chẳng có, thậm chí dừng việc, khiến anh lo lắng.

"Nếu giảm xuống 15 năm sẽ là động lực cho nhiều người tham gia. Sau 15 năm nếu tôi có điều kiện đóng tiếp, thì tôi sẽ đóng. Người lao động chỉ biết trông chờ vào BHXH để sau hết tuổi lao động có chút lương hàng tháng" - anh nói với phóng viên.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm: Việc giảm năm đóng là đúng chủ trương."Tức là chúng ta có hệ thống BHXH linh hoạt hơn cho những đối tượng mà thời gian đóng ngắn hơn nhưng họ vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu, tất nhiên là mức thấp nhưng cần thiết và phù hợp xu hướng chung của thế giới". Ông Hiểu cũng cảnh báo người lao động nên tiếp cận BHXH một cách đúng đắn, thông mình chứ không nên rút bảo hiểm một lần.

Quy định mới này nếu được thông qua cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành./.

Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết có 148 lượt ý kiến góp ý dự luật, trong đó có nhiều ý kiến quan tâm đến điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 64 của dự luật. Cụ thể, có ý kiến cho rằng giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động.