Yolo "hết mình" nhưng cũng dễ "hết tiền"

Yolo là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "You Only Live Once", có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần”. Đây là khái niệm thể hiện sự sống hết mình, giống như trong thơ Xuân Diệu từng nói “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”...cho thấy phong cách tận hưởng cuộc sống ở khoảnh khắc hiện tại, chăm lo cho sức khỏe, những thú vui giải trí, du lịch, trải nghiệm...bằng bất cứ khả năng nào có thể.

Thạc sỹ tâm lý Bình An cho rằng, lối sống này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Giới trẻ ngày nay có sự tự do cá nhân, trải nghiệm rộng, cộng với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên họ có mong muốn trải nghiệm nhiều hơn là tích trữ cho tương lai như các thế hệ trước.

Với quan điểm này, giới trẻ quan sát được những điều họ thực sự cần cho hiện tại. Ví dụ đi tập gym, yoga, chạy bộ, đi du lịch để trải nghiệm, để ý chế độ ăn lành mạnh, lựa chọn thực phẩm hữu ích chứ không quan tâm chuyện đắt hay rẻ...

Ở khía cạnh tích cực, giới trẻ được “chạm” đến những thứ mà sau này về già muốn cũng không được vì vướng tuổi già, trách nhiệm phải chăm sóc con cái, bận rộn công việc... Vì vậy, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại cũng là cách để người trẻ phát triển bản thân và không phải tiếc nuối khi nhìn lại.

Tuy nhiên khi Yolo vượt ra khỏi ranh giới, hệ lụy để lại không hề nhỏ. Thạc sỹ tâm lý Bình An cho biết, khi tham gia chương trình về “bình an tài chính”, một nửa lớp là bạn trẻ gen Z. Nhiều bạn trẻ vì chưa hài lòng về mình nên đã tìm những thú vui bên ngoài. Buồn thì đi mua sắm, du lịch, thậm chí có những trải nghiệm cao cấp như vũ trường, quán bar...Tuy nhiên, bản chất đó không phải là những thứ họ muốn. Những cuộc vui đã làm tài chính của họ luôn trong tình trạng bất an vì sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu. Thậm chí, mức chi gấp 2-3 lần thu nhập. “Điều đó khiến các bạn rơi vào vòng lặp phải lao động kiệt sức để trả nợ cho những món chi tiêu lãng phí”, chuyên gia tâm lý Bình An nói.

Một bạn trẻ từng tìm đến thạc sỹ tâm lý Bình An trong thời điểm khủng hoảng hôn nhân. Từ những câu chuyện của thân chủ, chị bất ngờ vì bạn trẻ này thu nhập 10 triệu tháng nhưng lại đầu tư vào các khóa học với những trải nghiệm hàng trăm triệu đồng. Tất cả đều được bạn trả bằng thẻ tín dụng và tiền tiết kiệm của chồng.

Không được học kỹ năng “sử dụng tiền” suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường đã hạn chế khả năng quản lý chi tiêu của người trẻ. Đồng tình với quan điểm này song thạc sỹ Bình An cho rằng, việc giới trẻ “vung tay quá trán” phần lớn xuất phát từ quan điểm thế hệ. Bởi, thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta cũng không được dạy kỹ năng quản lý tài chính trừ những gia đình kinh doanh, vận hành kinh công ty. “Rõ ràng, thế hệ trước cũng thiếu kiến thức về “sử dụng đồng tiền”. Giới trẻ ngày nay thậm chí có nhiều cơ hội tìm hiểu kỹ năng này hơn, qua các kênh thông tin, các khóa học.

Bí kíp sử dụng tiền hiệu quả

Khi Yolo quá giới hạn, bạn trẻ dành nhiều thời gian trải nghiệm mà ít nhìn vào bên trong để hiểu về chính mình. “Bạn trẻ chạy theo những thứ hào nhoáng, hình thức khi trở về nhà một mình sẽ không tránh khỏi cảm giác trống rỗng, vô định. Các bạn sẽ không có thời gian nhìn lại tiến trình, mục tiêu của mình xem thời điểm này đâu là ưu tiên quan trọng nhất với mình, không kịp dừng lại để nhìn sâu bên trong nội tâm và phát triển bản thân đúng hướng.

Khi “sống hưởng thụ” mà không có kiến thức quản lý tài chính thì bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng, tiêu hết tiền thu nhập hàng tháng, thậm chí còn vay nợ. Có những trường hợp đã lìa xa coi đời vì không thể trả được những món nợ khổng lồ.

Để tránh “Yolo quá đà” và quản lý tài chính hiệu quả, thạc sỹ tâm lý Bình An cho rằng, bạn trẻ cần có kiến thức về “sử dụng đồng tiền” thông qua sách báo và các học khóa học.

“Bạn cần hiểu rằng, những gì chúng ta tạo ra là để phục vụ cuộc sống và giúp cuộc sống hạnh phúc chứ không phải phải là để thỏa mãn nhu cầu nhất thời. Khi làm rõ nhu cầu của việc cần và muốn thì chúng ta sẽ lựa chọn những thứ thiết thực và bỏ qua những nhu cầu nhất thời bị cảm xúc “cám dỗ”.

Chuyên gia tâm lý Bình An tiết lộ, chị thường áp dụng bí kíp Kakeibo của Nhật Bản để tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu hiệu quả hằng ngày. “Khi chúng ta có khoản thu nhập về, điều đầu tiên cần tư duy là tiết kiệm và cất giữ bao nhiêu? Khi tiền về bạn có thể cất vào tài khoản tiết kiệm 20%. Tiếp theo, nếu có hiểu biết về đầu tư bạn có thể dành 10% vào khoản này. Còn lại, 70% bạn hòan toàn có thể “Yolo” chi tiêu cho bản thân và từ thiện nếu bạn mong muốn.

Khi tiền về cất đi một khoản rồi mới chi tiêu giống như gieo theo hết một vụ mùa, gặt về thì phải cất một ít thóc giống để vụ sau còn gieo ra. Chứ nếu ăn hết tất cả thóc thì mảnh đất đó đâu còn thóc để gieo”, chuyên gia Bình An nêu kinh nghiệm.

Trước vô vàn “cám dỗ” về các khoản chi tiêu, kỷ luật là yếu tố quan trọng. Đầu tiên bạn cần tập trung lắng nghe và quan sát bên trong bản thân, dành khoảng thời gian yên tĩnh để tự hỏi đâu là điều quan trọng nhất, ưu tiên nhất. Còn đâu là điều mình muốn trải nghiệm. Khi có câu trả lời thì bạn tự khắc có định hướng chi tiêu.

Thạc sỹ tâm lý Bình A cho rằng, mối quan hệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bạn chi tiêu thế nào. “Nếu chơi những người có phong cách quản lý tài chính hiệu quả nhưng vẫn trải nghiệm cuộc sống thú vị thì bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi họ.

Ngược lại nếu chơi với những người “có bao nhiêu tiêu hết, cứ cuối tuần rủ rê mua sắm, du lịch mà không thấy chỉ chỗ này kiếm tiền tốt, giữ tiền tốt thì bạn nên cân nhắc”, vị chuyên gia khuyên bạn trẻ hãy chọn quan hệ chất lượng và ảnh hưởng tích cực đến bạn.

Cuối cùng, cần có ghi chép cơ bản và có phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để biết dòng tiền về và đi hàng tháng. “Đây là cách để bạn kiểm soát tài chính cá nhân và có thể điều chỉnh cách chi tiêu trong cuộc sống. Nếu không điều chỉnh được thì bạn chỉ mãi chạy theo “tiền”, thạc sỹ tâm lý Bình An chia sẻ.

Nghe chương trình tại đây: