Đã từng trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 dữ dội, hiểu rõ những khó khăn mà người dân thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt, trong suốt những ngày qua, anh Hồ Ngọc Thanh cùng các thành viên trong Quỹ xe Vạn Tình 0 đồng ở Đà Nẵng đã liên tục đăng tin trên các trang mạng xã hội để kêu gọi người dân chung tay góp sức gửi tặng gạo, dầu ăn, thực phẩm… cho những người lao động nghèo ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ chuyển tiền, chuyển gạo vào hỗ trợ người dân thành phố Hồ Chí Minh, anh Thanh cùng các thành viên của nhóm còn không ngại khó khăn, vất vả đi thu mua cá từ các cảng lớn về tất bất chế biến để gửi vào miền Nam. “Người dân Đà Nẵng cũng từng trải qua đợt dịch tháng 7 năm ngoái rất nặng nề. Khi đó người Sài Gòn đã gửi ra rất nhiều thùng hàng, nhu yếu phẩm để chia sẻ khó khăn với người dân Đà Nẵng. Nay chúng tôi cũng muốn góp sức để mong bà con trong đó vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó cũng là sự tri ân thành phố đã đùm bọc, sẻ chia với Đà Nẵng lúc hoạn nạn”- anh Thanh bộc bạch.
Mặc dù đời sống của người dân Đà Nẵng ở thời điểm này cũng vô cùng khó khăn vì dịch bệnh nhưng anh Thanh hiểu rằng, bà con ở mảnh đất phía Nam còn khó khăn gấp trăm lần. Dù chỉ là chút rau củ tươi hay nồi cá kho cũng sẽ góp phần hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh vững vàng vượt qua “trận đại chiến” này.
Sẽ thật khó để kể ra hết những con người bình thường, có thể gọi là nhỏ bé giữa cuộc đời, đang hằng ngày vật lộn mưu sinh vẫn luôn sẵn một tấm lòng, miệt mài quyên góp nhu yếu phẩm để "tiếp lửa" cho đồng bào phía Nam. GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh gọi đó là “cái đẹp bình dị của cuộc sống”, là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nó không chỉ là sự quan tâm tạm thời mà trong bất kỳ một hoàn cảnh nào thì người Việt cũng sẽ luôn yêu thương, luôn sống tử tế với nhau như thế.
Trên trang facebook cá nhân của mình, GS.TS Huỳnh Văn Sơn viết: “Bản thân tôi học được từ sự quan tâm hết lòng của một sinh viên miền Tây chuyên chở rau hỗ trợ bà con khu cách ly, một giáo viên - là cộng sự của mình, đã phát tâm vài trăm ký gạo để ủng hộ một phường do tôi giới thiệu….
Tôi càng ấn tượng sâu sắc bởi những đồng nghiệp của mình bám trụ tại phường để sát cánh cùng nhiều người dân trong khu phố… Và những chuyến xe nghĩa tình của một người bạn, từng là phóng viên, đã rong ruổi thâu đêm đến các khu phố, chung cư cách ly và cả những nơi có người khó khăn để phát từng hộp cơm, từng bó rau, khi chính anh lại quên ăn”.
Trong bộn bề lo lắng, những dòng cảm xúc này đã chạm vào trái tim, sự đồng cảm của nhiều người…
Còn khi chia sẻ với PV VOV2, GS Huỳnh Văn Sơn bộc bạch: Đã có nhiều ngày ông thức đêm cùng với thành phố, trải lòng để sống với nỗi lo của tất cả người dân nghèo trong những ngày giãn cách… Thức và cảm cùng với tấm lòng của người dân thành phố; lắng nghe và dõi theo trái tim, sự sẻ chia của nhiều mạnh thường quân ở các tỉnh thành, GS Sơn cảm và hiểu sâu sắc hơn về sự yêu thương, hy sinh, đùm bọc. Chữ thương chữ yêu sống động mà cao cả. Và hơn ai hết ông hiểu rằng, sự tử tế và lòng hảo tâm của mỗi một con người, sẽ lan tỏa, cộng hưởng thành sức mạnh đặc biệt. Và khi những nhịp đập, sự dũng cảm tận sâu trong trái tim của mỗi người trỗi dậy thì lúc bấy giờ tất cả mọi việc sẽ được thực hiện một cách hết sức mạnh mẽ. “Nếu chúng ta có những suy nghĩ tích cực để trải lòng và yêu thương chắc chắn chúng ta sẽ đón nhận được những kết quả tương lai rất tuyệt vời. Với những anh chị đang ở khu cách ly hoặc những anh chị đang ở khu phong tỏa, chúng ta hãy tin vào tương lai không xa Sài Gòn sẽ ổn thôi. Chỉ có tư duy tích cực mới giúp chúng ta thực sự tìm ra được những giải pháp quyết liệt để có thể đối đầu với những tác động của dịch bệnh”.
Là một người dân sinh ra và lớn lên tại Bình Dương nhưng nhiều năm gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây vì yêu cầu công việc, anh Trần Ban Hùng phải chuyển công tác ra ngoài Bắc và sinh sống tại Hà Nội. Trong những ngày qua, mỗi buổi sáng thức dậy, lòng anh luôn nặng trĩu và ngổn ngang những lo lắng khi cập nhật những dòng tin tức về dịch bệnh từ quê nhà vẫn vô cùng phức tạp. .
“Thời gian gần đây có nhiều đêm tôi không thể ngủ được vì lo lắng cho anh em bạn bè, họ hàng và tất cả mọi người thân thích ở đấy. Và tôi tin không chỉ tôi mà tất cả những người con thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương hay Đồng Nai đi xa thì đều có chung tâm trạng này, lo cho Sài Gòn, lo cho Bình Dương, Đồng Nai…”
Và khi dịch bệnh vẫn còn nhiều thử thách, anh Hùng luôn hy vọng mỗi người dân thành phố thật bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 5K và hãy tin tưởng với sự đoàn kết của người dân thành phố và đồng bào cả nước, trong một ngày không xa, sẽ vượt qua cơn đại dịch này.
Nói đến người dân thành phố Hồ Chí Minh, người ta thường nhắc đến đặc trưng tính cách “hào sảng”, “phóng khoáng”, “nghĩa tình”. Thành phố Hồ Chí Minh luôn hào phóng tình yêu thương và giờ có lẽ lúc để cả các vùng miền của đất nước chìa vai cho thành phố Hồ Chí Minh dựa vào khi trở bệnh. Nói như GS Huỳnh Văn Sơn, có lẽ không cần thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng mà với tất cả nghĩa tình bao nhiêu năm qua thành phố Hồ Chí Minh đã sống, đã hết lòng với tất cả những tỉnh thành khác thì giờ đây sự sẻ chia yêu thương của khắp mọi vùng miền đất nước là sự phản hồi mang tính chất tích cực từ cảm xúc.
“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Tấm lòng thể hiện qua sức người, sức của nhưng cũng thể hiện qua sự đồng thuận. Mỗi người đều hun đúc trong mình một năng lượng tích cực, năng lượng đó sẽ kết nối, biến thành sức mạnh để cùng nắm chặt tay nhau bước qua đại dịch.