Trong cuộc trao đổi trên sóng VOV2, Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng người dân bất ngờ về việc Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng dầu trong vành đai 1 từ tháng 7 năm sau bởi việc truyền thông chính sách của Hà Nội làm chưa tốt.
Hà Nội đã có lộ trình giảm phương tiện sử dụng xăng từ năm 2017 đến năm 2030. Dù đã có lộ trình nhưng chưa có bất cứ cảnh báo nào khi người dân đến các đại lí mua xe máy chạy xăng. Sốc là bởi người dân đã quen với việc các chỉ thị "ban ra rồi để đấy".
Thực tế thành phố đã tổ chức xe đạp công cộng cho thuê mức phí rẻ và sử dụng qua app rất đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian cả hai loại hình giao thông công cộng hiện đại và ưu việt ở nhiều quốc gia đều không thể thích ứng với hệ thống hạ tầng cũng như tình trạng giao thông ngày càng ách tắc và quá tải của Thủ đô. Thiếu các giải pháp đồng bộ chính là nguyên nhân dẫn tới các thí điểm thất bại.
Việc thất bại của hệ thống BRT cũng được xem như minh chứng rõ rệt cho sự thiếu đồng bộ trong hệ thống giao thông cũng như chính sách của thành phố. Việc thiếu quyết tâm và đồng bộ chính sách sẽ còn tiếp tục tạo ra tình trạng “bất ngờ” như với chuyện cấm xe máy chạy xăng vào khu vực vành đai 1 của Hà Nội sau một năm nữa.
Hà Nội những năm gần đây luôn rơi vào top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới ở nhiều thời điểm. Vì vậy chủ trương giảm phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy chạy xăng được xem như phù hợp xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực giảm thải ô nhiễm môi trường.
Vậy nếu đã quyết tâm, Hà Nội nên xem Chỉ thị của Thủ tướng như một "cú huých" để Thủ đô đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương đã có từ lâu và cần giải những bài toán mang tính đồng bộ, tổng thể.
Trước mắt phải triển khai nhanh các giải pháp vận tải công cộng như tăng tuyến xe buýt, giảm thời gian chờ đợi giữa các chuyến…Tăng các loại hình xe buýt nhỏ, linh hoạt; Có phương tiện trung chuyển giữa nơi ở, làm việc của người dân đến điểm xe buýt bằng nhiều hình thức. Phát triển xe đạp cá nhân cũng như khuyến khích đi bộ, phát triển xe điện. Tuy nhiên, phát triển xe đạp, xe máy điện cần có hệ thống hỗ trợ như trạm sạc, sửa chữa…
Nhà báo Phạm Trung Tuyến gợi ý xây dựng những điểm gửi phương tiện tại các vùng đệm với các dịch vụ hỗ trợ trông giữ phương tiện, trung tâm thương mại cùng các phương tiện nhỏ trung chuyển vào vào các khu vực khác trong thành phố.
Để thực hiện chủ trương, ngoài quyết tâm của chính quyền, của hệ thống chính trị, cần có sự đồng thuận cao của người dân và xã hội. Giải pháp truyền thông chính sách, truyền thông thay đổi thói quen của người dân là không thể xem nhẹ.
Về lâu dài, không chỉ ở vành đai 1 của Hà Nội, việc giảm phương tiện cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng kèm hệ thống kết nối là mục tiêu hướng tới của toàn bộ hệ thống giao thông. Giảm áp lực tắc đường, kẹt xe, đồng thời giảm xả thải môi trường sẽ là kết quả đem lại cho nỗ lực này. Tuy nhiên, cần một lộ trình với những giải pháp, bước đi phù hợp cho từng khu vực, từng địa phương và từng giai đoạn khác nhau.