Thừa nhận chủ trương cấm xe chạy xăng vào khu vực trung tâm là cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên, dư luận cho rằng Hà Nội phải có các phương án đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Nghe bài viết dưới đây:
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường tại các đô thị lớn, Thủ tướng Chỉnh phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, Chỉ thị có nội dung yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Từ 1/7/2026 Hà Nội sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng, dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Mô-tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Trong khi đó, các loại hình vận tải công cộng chưa thể đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, xe máy còn là tài sản, kế sinh nhai của không ít người. Chính vì thế, dù tán thành với việc cấm phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng những ngày qua, dư luận còn nhiều tâm tư về chủ trương này. Chị Hoàng Kim Chi là một trong số đó.
Sống ở ngoại thành nhưng chị Chi làm việc cho công ty có trụ sở tại một phường thuộc trung tâm của Hà Nội. Để hạn chế rủi ro, chị từng vài lần cố gắng đi làm bằng xe buýt thay cho xe máy. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau đó, chị quyết định quay lại sử dụng xe máy. Lý do là mỗi ngày chị tốn thêm cả tiếng đồng hồ cho việc di chuyển vì phải chờ xe lâu, đổi tuyến nhiều lần, đi bộ xa giữa các điểm dừng.
Chị Chi chia sẻ xe máy là phương tiện kém an toàn. Khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường và môi trường ô nhiễm nên việc di chuyển bằng xe máy còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ thực tế này, chị tán thành với chủ trương cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các thành phố lớn, nhất là khu vực có mật độ dân số cao như vùng lõi của Hà Nội. Song theo chị, “lệnh” cấm như lộ trình nêu ra tại Chỉ thị số 20 đối với Hà Nội sẽ khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.
“Việc hạn chế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch là tốt, vì không khí ở Hà Nội ô nhiễm quá rồi. Tuy nhiên, thành phố phải tìm cách đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân, chứ hiện tại phương tiện công cộng chưa thể đáp ứng được”, chị Chi bày tỏ.

Chị Trần Thu Giang, ở phường Ba Đình, Hà Nội cho rằng, chủ trương cấm phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch là cần thiết. Tuy nhiên, theo chị lộ trình triển khai như quy định tại Chỉ thị 20 là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi. Bởi ngay cả khi người dân đồng loạt chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe điện thì hạ tầng cho việc sạc xe điện cũng chưa thể đáp ứng.
“Tôi thấy hiện có đến ¾ người dân sử dụng xe máy chạy xăng, chỉ ¼ sử dụng xe điện. Việc cấm xe theo lộ trình, tôi nghĩ sẽ rất khó, vì không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để chuyển đổi xe luôn. Hơn nữa, nếu đồng loạt cùng chuyển đổi thì chỗ xạc không đủ. Như chỗ tôi ở, một tòa nhà hàng trăm cái xe thì cắm xạc ở đâu?”, chị Giang băn khoăn.
Thống kê cho thấy, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu ôtô, gần 7 triệu xe máy. 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc dừng lưu thông xe máy xăng ở trung tâm thành phố là bước đi mạnh mẽ. Tuy nhiên, lo lắng của người dân cũng hoàn toàn chính đáng. Để hạn chế ảnh hưởng của chính sách đối với cuộc sống của người dân, Hà Nội cần cấp tốc tăng cường, nâng cấp hệ thống vận tải công cộng. “Mục tiêu đặt ra với Hà Nội tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ là tốt nhưng để thực hiện một cách hiệu quả thì Hà Nội có rất nhiều việc phải làm nhanh, làm mạnh”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Có thể nói Chỉ thị 20 với lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vùng lõi của Hà Nội chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến vấn đề đi lại cũng như cuộc sống của một bộ phận người dân. Bởi xe buýt điện hay tàu điện tại Hà Nội hiện chưa đủ sức thay thế xe máy - loại phương tiện rất linh hoạt, phù hợp với một Hà Nội chật hẹp. Trong khi đó, xe máy điện thì đắt, trạm sạc còn hiếm.
Tuy nhiên, phải nói rằng việc hạn chế và cấm xe như đề cập tại Chỉ thị 20 là hoàn hoàn đúng đắn, là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển không chỉ giao thông mà còn là môi trường một cách bền vững cho Hà Nội. Vấn đề còn lại là làm sao để khi chính sách có hiệu lực sẽ ảnh hưởng ít nhất tới đời sống của người dân.