Hạn mặn, xâm nhập mặn đã gây ra nhiều tác động tới cuộc sống của người dân khu vực ven biển như thiếu nước ngọt sinh hoạt, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sạt lở kênh đê, đường xá. Theo dự báo, hạn năm năm nay có thể gây thiệt hại cho vùng ĐBSCL khoảng trên 70 nghìn tỷ đồng.

Từ nguồn ngân sách TW và địa phương đến nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi khép kín để ngăn mặn trữ ngọt mà nổi bất như: công trình Cái Lớn- Cái Bé (Kiên Giang); hệ thống cống ven sông Tiền (Tiền Giang), Rạch Chanh (Long An); cống Tân Phú - Bến Rớ ( Bến Tre)...đã phát huy hiệu quả. Vấn đề cần quan tâm là nguồn nước sinh hoạt ở vùng cù lao, vùng ven biển khi vào cao điểm hạn mặn sẽ thiếu nước cục bộ. Giải pháp quan trọng nhất là các hộ dân cần đầu tư mua sắm các dụng cụ chứa nước, đào ao, mương chứa nước ngọt phục vụ trong cao điểm mùa khô. Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang khuyến cáo: Trong thời gian tới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên sông sẽ bị xâm nhập mặn, nước ngọt giảm cho nên khuyến cáo bà con trường hợp có đất nên đào ao để tích trữ nước. Đất nhiều thì đào ao rộng, đất ít thì đào ao hẹp để tích trữ nước phục vụ sản xuất, cây trồng trong mùa khô hàng năm là tốt nhất. Nước sinh hoạt thì bà con mua thùng, bồn chứa nước, nếu không thì bà con mua các túi nilon bỏ xuống mương trữ nước để sử dụng trong mùa khô cũng tốt

Ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT cho biết, đã đến lúc vùng ĐBSCL phải kết hợp thật chặt chẽ giữa trồng trọt và thủy lợi. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác phòng chống hạn mặn. Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Lê Minh Hoan, dòng chảy sông Mê Kông đã bị biến dạng hoàn toàn, do đó vấn đề không phải là cống, là đê mà chúng ta phải chủ động thích ứng, trồng trọt cần quy hoạch lại mùa vụ. Qua thiệt hại lúa ở vùng ĐBSCL vừa rồi có thể thấy chỗ nào xuống giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì ít bị thiệt hại, chỗ nào mà người dân thấy giá lúa lên cao hay ngành nông nghiệp chưa khuyến cáo tốt thì bị thiệt hại nặng. Đồng thời, Bộ nông nghiệp-PTNT sẽ đề nghị kích hoạt hệ thống cống liên quan đến mặn- ngọt, dù TW đầu tư hay địa phương đầu tư phải kết nối để quản lý theo lưu vực sông chứ không phải quản lý cục bộ nữa.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đã nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ ra, việc phát triển vùng phải tôn trọng quy luật tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề hạn mặn cần được xác định là thuộc tính đặc thù của vùng ĐBSCL và năm nào cũng sẽ xảy ra tùy từng mức độ khác nhau; vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với hạn, mặn là phải thích ứng và sống chung, đồng thời đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này.

Mời nghe phóng sự tại đây: