Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 30 lần tổ chức Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hàng năm luôn đã trở thành dịp để các cấp, ngành, gia đình, xã hội có những phong trào, hành động mang ý nghĩa, thiết thực, tạo lập môi trường an toàn, cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ em.
Có thể nói, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao dành cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo ngày càng được quan tâm.
Các chương trình áo ấm cho em, cơm có thịt, xóa phòng học tạm… đang thu hút sự tham gia của hàng triệu người, giúp nâng bước chân đến trường để học những điều mới, nuôi dưỡng ước mơ đổi thay cuộc đời.
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. Mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em từ cơ sở có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể… với hình thức hoạt động hết sức phong phú để phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em tránh khỏi bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích.
Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn, hội nghị của trẻ em được tổ chức từ cấp địa phương đến quốc gia là cơ hội quan trọng để trẻ em nói lên tiếng nói của mình, để người lớn lắng nghe, thấu hiểu các em về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em, cũng như những suy nghĩ, ước muốn với tinh thần trách nhiệm gánh vác tương lai đất nước.
Với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", tháng hành động vì trẻ em năm nay tiếp tục mong muốn, vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em, PV VOV2 đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Thưa bà, trước hết bà có thể cho biết Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hàng năm trong những năm qua đã góp phần bảo vệ quyền của trẻ em như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tại điều 11 của Luật trẻ em năm 2016 đã có quy định về Tháng hành động vì trẻ em với mục đích để truyền thông, nâng cao nhận thức của các cơ quan, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em, đồng thời cũng là một tháng cao điểm để vận động, huy động nguồn lực, huy động các công trình dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các xã khó khăn, trẻ em vùng biên giới vùng khó khăn. Có rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm dành những suất quà cho trẻ em nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em. Qua báo cáo tổng kết hàng năm của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì có thể nói là ngoài sự đầu tư của ngân sách nhà nước, kể cả ở cấp trung ương cũng như là ở các địa phương thì Tháng hành động vì trẻ em hàng năm chúng ta cũng đều huy động được hàng trăm tỷ cũng như rất nhiều những công trình hoặc xây mới hoặc nâng cấp dành cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Và có thể nói rất nhiều địa phương đã có những cách làm tập trung giải quyết những vấn đề nóng trong mùa hè cũng như trong tháng hành động vì trẻ em hàng năm.
PV: Vậy với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ LĐTBXH đã cùng các bộ, ngành địa phương triển khai những hoạt động thiết thực gì cho trẻ em, nhất là trong Tháng hành động vì trẻ em, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Căn cứ quy định của Luật trẻ em thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, hướng dẫn cũng như là phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có thể là tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn rất chi tiết cụ thể về Tháng hành động vì trẻ em. Có thể nói, sau khi kết thúc năm học, mỗi dịp hè về thì có sự bàn giao học sinh giữa các nhà trường, giữa ngành giáo dục với các tổ chức đoàn đội ở cơ sở thông qua chỉ đạo của Trung ương Đoàn của Hội đồng đội Trung ương, rất nhiều địa phương, các anh chị tổng phụ trách đội cũng đã tổ chức các hoạt động cho trẻ em. Đặc biệt là những hoạt động dã ngoại, rồi những hoạt động liên quan đến vui chơi giải trí, rồi tổ chức những lớp dạy bơi, các lớp kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Bên cạnh lực lượng nòng cốt của Trung ương, đoàn của Hội đồng đội Trung ương thì có thể nói rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, rồi các tổ chức xã hội cũng như các cá nhân cũng quan tâm, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp cũng như là chính tiền của các cá nhân để mang những phần quà ý nghĩa, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em nói chung.
PV: Tháng hàng động vì trẻ em mỗi năm lại có chủ đề khác nhau. Vậy Bộ LĐTBXH căn cứ vào yếu tố nào để lựa chọn và đưa ra chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”?
Bà Nguyễn Thị Nga: Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay cũng có một bối cảnh rất đặc biệt, đó là cuối năm 2023 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 28 về “Tăng cường công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu đất nước phồn vinh và hạnh phúc” thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lựa chọn chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay với một chủ đề rất là tích cực, ý nghĩa, đó là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.
Để bảo đảm thực hiện tốt quyền của trẻ em cũng như giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến công tác trẻ em thì có 3 trụ cột rất quan trọng. Đầu tiên phải nói đó là việc hoàn thiện xây dựng các văn bản, xây dựng thể chế. Riêng trụ cột này trong rất nhiều năm vừa qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các bộ, ngành cũng đã rất chủ động trong việc trình Quốc hội, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản liên quan đến trẻ em. Đến thời điểm này thì khá đầy đủ khá toàn diện. Và để tổ chức thực hiện được các chỉ đạo, chủ trương của Đảng cũng như Luật pháp, chính sách có liên quan vì trẻ em, 2 trụ cột cũng rất quan trọng đó là phải có kinh phí để thực hiện quyền trẻ em cũng như phải có nhân lực để đưa các chủ trương, chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em vào cuộc sống và thúc đẩy thực hiện tốt hơn nữa quyền của trẻ em tại Việt Nam
PV: Vậy bà có thể cho biết trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ tập trung vào những hoạt động nào?
Bà Nguyễn Thị Nga: Trong tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ rất quan trọng. Trước hết, đó là Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em quốc gia năm 2024, vào đúng ngày 1/6, tại Nhà hát Sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhóm hoạt động thứ hai đó là sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông, bên cạnh các chuyên mục, các chương trình vì trẻ em do Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông trực thuộc Cục Trẻ em của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sản xuất. Cũng có rất nhiều những thông điệp được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Chúng tôi cũng phối hợp với một số tổ chức thiết kế các cuộc tọa đàm với chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm nay.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba cũng rất quan trọng là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì cũng như phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em. Tiếp tục dự báo đánh giá công tác trẻ em trong giai đoạn tới, đồng thời đề ra những giải pháp phù hợp để chúng ta thực hiện quyền trẻ em ngày càng tốt hơn.
PV: Vậy thông qua Tháng hành động vì trẻ em năm nay, thông điệp mà ngành lao động thương binh và xã hội muốn gửi gắm tới mỗi người dân trong xã hội là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng tôi muốn đưa thông điệp rất cụ thể. Đó là mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, chúng ta hãy có những hành động thiết thực, có thể là bằng sức lực của mình bằng những chương trình, những mối quan tâm của trẻ em ở các vùng miền khác nhau. Chúng ta có thể vận động những công trình dành cho trẻ em hoặc có những điều giản dị là dành những phần quà cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang ở trong các cơ sở bảo trợ xã hội cũng như là trẻ em ở những vùng kinh tế xã hội đang còn khó khăn, để các em được hưởng một Tháng hành động vì trẻ em vui nhất, trọn vẹn nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.