Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260 km và vùng biển lớn đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của nước ta là khoảng 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông. Đặc biệt, vùng biển của nước ta có địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự quan trọng trong khu vực và thế giới. Đây cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia.

Mới đây, tại một sự kiện hưởng ứng ngày Đại dương thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. “Việt Nam hết sức có trách nhiệm, đã thực hiện Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc suốt 40 năm qua, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng đã nội luật hóa để đến năm 2012, Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển Việt Nam với nhiều quy định, trong đó có quy định về nguyên tắc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Để hiện thực hóa điều đó, năm 2018, chúng ta đã Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việt Nam tiếp tục khẳng định trách nhiệm của mình, cam kết của mình về thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của biển và đại dương”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nêu dẫn chứng.

Quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược biển đã được các địa phương hiện thực hóa bằng các chương trình, hoạt động cụ thể. Điển hình là tỉnh Khánh Hòa - địa phương có bờ biển dài hơn 385 km và hơn 200 hòn đảo. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm trên địa bàn. Đây là kết quả từ việc triển khai Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chưa dừng lại ở đó, Khánh Hòa đang phấn đấu phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, xã hội trên biển của cả nước. “Chúng tôi đang xây dựng đề án xây dựng huyện Trường Sa với các chính sách phát triển kinh tế biển, tập trung vào nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng phát triển bền vững”, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp trong cả nước cũng hiểu rõ tầm quan trọng của của biển và đại dương, trên cơ sở đó hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và môi trường biển. Có thể kể đến là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với sự chủ động trong mô hình cảng xanh và giải pháp logistics xanh. Đây là mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu vảo vệ môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Kết quả là, năm 2017, Cảng Tân Cảng-Cát Lái của Tổng Công ty đã trở thành cảng biển đầu tiên của nước ta đạt danh hiệu cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC; năm 2020. Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép trở thành cảng thứ 2 của nước được Hội đồng này vinh danh. Tự hào về kết quả đạt được, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó TGĐ Công ty Tân cảnh Sài Gòn chia sẻ: “Chúng tôi vinh dự được chọn làm đơn vị điểm phát triển cảng xanh. Để đạt được kết quả tốt nhất, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo cảng xanh và từng bước thực hiện các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với những công việc như chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cảng để bảo vệ môi trường, giảm tối thiểu khí thải”.

Nghiên cứu về biển và đại dương, các nhà khoa học là những người am hiểu nhất về tầm quan trọng của biển và đại dương. Chính vì thế, ai nấy đều mang trong mình khát vọng “đại dương xanh”. Đây cũng là mong ước của Trung tá, Tiến sỹ Hoàng Thị Thùy Dương, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga suốt nhiều năm qua. Tiến sỹ Hoàng Thùy Dương cho biết, nghiên cứu về biển, bà thường xuyên phải thực hiện những chuyến đi xa, lặn dưới biển sâu. Đây là công việc vất vả, nhất là với phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Tuy nhiên, với tình yêu dành cho biển và đại dương, với trách nhiệm của người nghiên cứu khoa học, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Những thành phần về loài, mật độ cá, động vật thân mềm, độ che phủ của san hô, thảm cỏ biển….là những con số biết nói với chúng tôi bởi nó gắn liền với quyền lợi của người dân. Là những nhà khoa học, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu và tìm ra các giải pháp bảo vệ và phát huy những thế mạnh của biển và đại dương”, Tiến sỹ Hoàng Thùy Dương chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cũng có chung khát vọng “đại dương xanh”. Ngoài tình yêu, ông còn dày công nghiên cứu về biển và đại dương còn vì thấy đó là trách nhiệm của một người con đã được biển nuôi dưỡng. “Tôi là người sinh ra ở một làng quê ven biển thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ nhỏ, tôi đã được hít thở và trao truyền các giá trị của biển. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu văn hóa biển đảo và tìm cách bảo tồn các giá trị đó. Đấy cũng là cách để tôi trả ơn cho quê hương mình”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ tâm sự.

Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển, diễn ra vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2022, tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, Việt Nam khẳng định cam kết chung tay cùng thế giới phát triển đại dương xanh, bền vững. Những hoạt động nêu trên đã thể hiện phần nào sự chung tay của chúng ta với cam kết đó.

Đề cập vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc bảo vệ biển và đại dương là trách nhiệm không của riêng ai: “Mẹ thiên nhiên, trong đó có biển và đại dương là người mẹ vĩ đại, che chở, nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta với trái tim bao dung và lòng nhân ái. Hành động bảo vệ và ứng xử với biển là và đại dương là trả nghĩa ân tình, là trách nhiệm với mẹ thiên nhiên và cuộc sống trên trái đất của mỗi quốc gia, mỗi con người”.

Nghe bài viết dưới đây: