Bị điếc bẩm sinh, em Vũ Tuấn Phong được mẹ đưa đến lớp học can thiệp do Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam mở ở Hà Nội. Phong được học cùng những người bạn đồng cảnh trong môi trường học tập thân thiện để từng bước hòa nhập và phát triển kĩ năng tốt hơn. Nhà Phong ở Thái Nguyên nhưng tuần nào, hai mẹ con em cũng đều đặn có mặt ở lớp học này. Chị Nguyễn Thị Hải- mẹ của Phong đã kiên trì đồng hành cùng con suốt những năm tháng qua. Sau một thời gian theo học các lớp kĩ năng như vẽ, xé giấy dán tranh, Tuấn Phong đã mạnh dạn giao tiếp với các bạn, nhận thức của em tiến bộ từng ngày nhờ sự hướng dẫn, dạy bảo của các thầy cô ở lớp học.

Từ khi phát hiện con bị điếc lúc 5 tháng tuổi, chị Phạm Thị Huệ ở Thái Nguyên không ngừng tìm kiếm những phương pháp chữa trị từ Đông y tới Tây y. Thời điểm lúc đó, không có nhiều thông tin về bệnh điếc cũng như không có nơi nào điều trị căn bệnh này nên chị Huệ phải tự tìm hiểu và được biết, nếu trẻ được can thiệp và điều trị sớm bằng ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ nghe nói thì trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Vì thế, khi biết về Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam, chị Huệ thu xếp công việc đưa con đi điều trị. Khi bé Như đeo máy khoảng 3 năm, chị quyết định cho con chuyển sang học ngôn ngữ kí hiệu. Chị luôn đồng hành trong các lớp học trị liệu để con có thể tiếp nhận tốt nhất những âm thanh cuộc sống.

Hàng tuần, bé Như được mẹ đưa đến Văn phòng Hội để tham gia các lớp học ngôn ngữ kí hiệu. Khi học theo phương pháp này, bé Như nhận thức nhanh, khả năng học tập của con khá tốt. Những buổi học kĩ năng ở hội đã giúp con tự lập hơn, không còn ngại giao tiếp với người lạ nữa. Để có thể giao tiếp với con, chị Huệ cũng được tham gia những lớp học kĩ năng ngôn ngữ của trẻ khiếm thính. Em trai của Như cũng biết làm kí hiệu ngôn ngữ để nói chuyện với chị khiến cả nhà rất thích thú. Chị Huệ bảo, có được ngày hôm nay là rất nhiều sự cố gắng của con, cùng với sự giúp đỡ của bố mẹ, gia đinh và không thể không nhắc đến là Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam.

Phát hiện con gái bị điếc lúc 2 tuổi, chị Chử Thị Thanh Hương- Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam đã đồng hành với các gia đình trẻ khiếm thính để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ kém may mắn. Tháng 6/2012, sau nhiều cuộc gặp gỡ, chia sẻ với phụ huynh cùng cảnh ngộ, Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam ra đời với rất nhiều hoạt động được tổ chức như thư viện cho trẻ khiếm thính, lớp học yoga, mỹ thuật, tiếng Anh và các lớp dạy kỹ năng mềm, lớp học ngôn ngữ ký hiệu cho phụ huynh và kiểm tra thính lực cho trẻ khiếm thính ở rất nhiều địa phương trong cả nước.

Sau 6 năm, nhận thấy trẻ khiếm thính không chỉ cần trang bị những kĩ năng cần thiết để hòa nhập với cộng đồng mà còn cần một tương lai tốt đẹp hơn cho các em, chị Chử Thị Thanh Hương đã thành lập doanh nghiệp xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam, hướng dẫn cho các em làm hoa giấy và nuôi dưỡng tài năng ở những em nhỏ có năng khiếu hội họa. Phạm vi hoạt động của Hội không chỉ dừng lại ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc mà đã tới được nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với lối tư duy sống tích cực dựa trên tình yêu thương của chị Hương ngày càng được lan tỏa rộng hơn. Và 10 năm qua, Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam thực sự trở thành người bạn đồng hành, mang đến những giá trị nhân văn đầy ý nghĩa giúp trẻ khiếm thính có cơ hội phát triển tốt đẹp hơn.