Nghe chương trình tại đây:

Từng trượt học bổng vì..."không biết kể gì về mình"

Dương Bùi Khánh Linh sinh năm 2001, tại TP.HCM. Ngày 25/8/2022 Linh nhận được e-mail cấp học bổng của trường Đại học RMIT. "Mẹ chúc mừng em và nói mọi sự cố gắng của con sẽ được đền đáp" - Linh nhớ lại lúc đọc thư và gọi "Mẹ ơi" thật to.

Thầy giáo Phạm Đề Thám - dạy môn Địa lý trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội không bất ngờ khi cô học trò cũ gọi điện báo tin vui. "Ngay khi con làm hồ sơ, 80-90% tôi tin em sẽ dành học bổng" - thầy Thám nói như vậy với phóng viên.

Linh không phải là sinh viên đầu tiên giành được học bỏng "Chắp cánh ước mơ" của Đại học RMIT (Úc) có cơ sở tại Việt Nam. Năm học 2022, Đại học RMIT Việt Nam tài trợ 06 suất học bổng toàn phần “Chắp cánh ước mơ”, trong đó, 04 suất thông qua sự hợp tác với các tổ chức REACH, KOTO, Hội người mù Việt Nam và Trung tâm Sao Mai. Học bổng “Chắp cánh ước mơ” dành cho đối tượng là các sinh viên khuyết tật và sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện theo học chương trình đại học tại RMIT Việt Nam.

Năm 2021, học xong THPT, Linh cũng làm hồ sơ xin học bổng. "Nhưng em đã trượt ngay lần đầu ấy" - Linh nhớ lại. Đó là khi viết thư giới thiệu về mình, tối đa 500 chữ, Linh đã viết rồi xóa nhiều lần.

"Lúc đó em nhận ra, em có thể giới thiệu nhiều điều về người khác mà không biết kể gì về bản thân mình" - Linh nói, thời gian đó em không biết mình thích gì, vui với điều gì trong cuộc sống.

Em quyết định không thi Đại học mà "gap year" - một hình thức nghỉ 12 tháng để trải nghiệm. Với người mù thì trải nghiệm gì cơ chứ? Nếu không đi học thì đi làm, mà cơ hội đi làm đâu dễ như người sáng mắt. Linh không có sức khỏe để đi làm tầm quất vậy nên em lựa chọn đi làm gia sư Toán - Văn cho cả học sinh khiếm thị và học sinh sáng mắt.

Thầy Thám kể, khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người ở nhà, còn Linh mày mò bán hàng online, tham gia vào nhóm gỡ băng âm thanh...Ngày đó, mẹ đổ bệnh, Linh trở thành lao động chính.

"Thời gian đi làm gia sư cho em hiểu người trẻ thiếu những kỹ năng gì. Ví dụ, quản lý thời gian sao cho hiệu quả,..." - Linh đã biết mình sẽ kể gì trong hồ sơ học bổng của mình.

"Trong suốt một năm qua, tôi tìm được đam mê khi truyền đạt vốn hiểu biết của mình cho trẻ em. Từ đó, nỗi trăn trở nhận ra nhiều em chưa được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết đã thôi thúc tôi theo đuổi mục tiêu thành lập một trung tâm đào tạo phát triển năng lực và hướng nghiệp nhằm nâng cao khả năng làm việc cho giới trẻ" - (Trích thư giới thiệu gửi Hội đồng học bổng của Khánh Linh).

Không làm việc mình yêu mà yêu tất cả những việc mình làm

Mẹ Linh là người miền Bắc, sinh em ở TP.HCM. Linh có tuổi thơ bôn ba theo mẹ từ Nam ra Bắc rồi lại Bắc vào Nam, vừa kiếm sống, vừa chữa bệnh ở khắp nơi.

"Mắt em như bóng đèn, lúc thì bật sáng, lúc lại tắt đi" - căn bệnh lạ khiến Linh từ đứa trẻ sinh ra bình thường, bỗng dưng thành khiếm thị từ năm 4 tuổi.

Ngày còn nhỏ bị bạn bè trêu nốt ruồi ở vai. Em về khóc lóc kể cho mẹ. "Sao con không hỏi lại các bạn rằng: Đố các bạn có được nốt ruồi trên vai như tớ" - Mẹ Linh đáp lời con gái.

"Điều tuyệt vời nhất em học ở mẹ đó là lạc quan. Cùng một sự việc xảy ra, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Mẹ em luôn nhìn theo hướng tích cực, vui vẻ và đón nhận mọi thứ để tìm cách vượt qua" - Linh nói.

Ngày học Tiểu học, mắt Linh sáng dần trở lại. Căn bệnh mà y học chưa gọi tên cứ làm mẹ con Linh sống trong khấp khởi. Niềm vui tắt lịm khi tiếng chuông báo thức đúng ngày khai giảng năm học lớp 6. Linh mở mắt ra và thấy xung quanh là màu tối đen.

"Điều đó lại xảy ra đúng hôm khai giảng, em đã rất háo hức"- Linh ngồi trên giường và nói với mẹ tình trạng của mình: "Con lại không nhìn thấy gì nữa rồi".

Linh từ giường vào nhà vệ sinh, lần theo bậc cầu thang đi ra cửa, em nhận ra mình có thể sinh hoạt bình thường, chỉ là chậm hơn một chút. "Em nói mình chỉ được buồn hết một ngày thôi nhé!".

Buồn hết một ngày, Linh và mẹ tiếp tục hành trình đi học. Linh thường được mẹ mặc cho áo trắng, mái tóc dài đen ngang thắt lưng được tết hoặc buộc phía sau. Em hay ngồi bàn đầu để nghe giảng và ghi âm. Thầy Thám nhớ mãi về cô học trò với hình ảnh cặm cụi học hành, gương mặt lúc nào cũng bình thản.

Suốt những năm tháng học THCS và THPT, Dương Bùi Khánh Linh luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng: CLB Step - Hành động vì người khiếm thị với vai trò thiết kệ nội dung Video, dẫn chương trình, đọc sách..; Là diễn giả truyền cảm hững cho lớp học kỹ năng sống của trường quốc tế liên cấp Everest. Học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2017-2018.

Khánh Linh đã bước vào năm học đầu tiên ở Đại học RMIT. Em chọn khoa Kinh doanh là để thực hiện ước mơ thành lập Trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho các bạn trẻ.

"Mỗi ngày với em giờ đây là ngày hạnh phúc. Em không phải làm việc mình yêu mà em thấy yêu tất cả những việc mình làm" - Linh chia sẻ./.