“Sóng gió” cuộc đời

Không may mắn như những đứa trẻ trong con ngõ 109, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, anh Nguyễn Anh Tuấn bị tật nhẹ ở chân trái ngay từ lúc sinh ra. “Tôi bị khuyết tật bẩm sinh ở chân trái, vận động gặp đôi chút khó khăn. Tôi có tham gia vào Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân”, anh Tuấn chia sẻ.

Do không thể thực hiện những hoạt động đòi hỏi cao về thể lực như bóng đá, bóng rổ, đá cầu nên anh Tuấn ít tương tác với bạn bè. Tuổi thơ vì thế có phần trầm lắng hơn những người bạn cùng trang lứa.

Chưa dừng lại ở đó, khi ở cái tuổi cần nhất sự nuôi dưỡng, dạy bảo của đấng sinh thành thì anh lại mất đi người bố kính yêu. Anh cho biết khi đó nhiều người lo lắng cho anh bởi sức khỏe vốn đã không tốt lại bị hụt hẫng về tình cảm. Tuy nhiên, anh như đứa trẻ “hiểu chuyện” nên đã trưởng thành sớm. Học xong trung học phổ thông, anh thi và vào học một trường nghề để sớm đi làm, giúp mẹ cải thiện kinh tế gia đình.

Cuộc sống những tưởng đã bình yên khi anh ra trường, đi làm, lấy vợ và sinh con. Nhưng một lần nữa, sóng gió lại ập đến vào đúng thời điểm anh đang là trụ cột của gia đình. “Năm 2019, khi thấy trong người mệt mỏi, tôi đi khám sức khỏe thì phát hiện bị bệnh về bạch cầu - một dạng ung thư máu. Bác sỹ bảo cho tôi lên khu H7. Khi lên đó, mọi người đều nói khu đó là dành cho những bệnh nhân nặng. Lúc đấy, tôi rất sốc vì tôi có 3 con nhỏ. Tôi lo cho các con, nếu mình có làm sao thì không biết tương lai của các con như thế nào”, anh Tuấn nhớ lại.

Không ít người khi phát hiện ra bệnh đã suy sụp về tinh thần. Anh Tuấn không phải ngoại lệ, nhưng ngay sau đó anh đã lấy lại trạng thái cân bằng để không trở thành gánh nặng cho vợ và các con. “Cũng vì nghĩ đến gia đình và các con nên tôi xác định nếu mình không gồng lên thì các con sẽ không biết trông cậy vào đâu. Nghĩ vậy nên tôi sống lạc quan, tuân theo phác đồ điều trị của bác sỹ. Mặt khác, hàng ngày tôi rèn luyện thể thao để cải thiện thể trạng và sức khỏe”, anh Tuấn cho biết.

Cứ như vậy, 5 năm qua, sức khỏe của anh Tuấn mỗi ngày một tốt hơn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho vợ, 3 người con và mẹ già.

“Trong họa có phúc”

Phố Quan Nhân, Hà Nội nhỏ hẹp. Tiệm sửa xe đạp của anh Nguyễn Anh Tuấn cũng trật trội và còn nằm trong một con ngõ của phố Quan Nhân. Thế nhưng nơi đây vẫn được nhiều người đam mê đạp xe tìm đến mỗi khi cần sửa chữa, chăm sóc cho chiếc xe của mình. “Tôi thấy anh Tuấn làm rất chất lượng và có tâm nên tôi đến đây sửa”, một khách hàng ở Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ những người đam mê đạp xe ở Hà Nội, nhiều người ở tỉnh xa cũng tìm đến. Thậm chí, khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh còn gửi xe ra Hà Nội để anh Tuấn sửa chữa. Tự hào về điều này, anh Tuấn cho rằng có lẽ khách hàng đã cảm nhận được niềm đam mê mà anh dành cho việc sửa xe. “Khi làm việc, tôi thấy đầu óc mình như buông hết mọi lo nghĩ, chỉ tập trung vào sửa xe. Có lẽ vì thế nên chất lượng dịch vụ tốt và được mọi người quý mến. Nhiều người còn bảo trả tiền trước nhưng tôi trả lời là cứ đến lấy xe, kiểm tra rồi trả tiền”, anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn chia sẻ nghề sửa xe đến với anh như một cái “duyên”. Cách đây 5 năm, trong thời gian điều trị bệnh, anh tìm đến môn thể thao đạp xe. Mục đích chính là để cải thiện sức khỏe nhưng trên những hành trình đạp xe, anh nhận thấy cơ hội nghề nghiệp từ dịch vụ sửa chữa xe đạp. “Tôi vốn là thợ về cơ khí, cơ điện, sửa chữa máy móc. Khi tôi tìm đến môn thể thao đạp xe để nâng cao thể trạng và sức khỏe, có thời gian thong dong trên những cung thường, tôi mới nhận thấy nhiều người chọn cách đạp xe như một cách để sống xanh. Tuy nhiên, ở Hà Nội và các tỉnh lân cận rất ít cửa hàng dịch vụ sửa xe đạp. Tôi nghĩ đấy là cơ hội cho mình, vì khi đó tôi không làm được những việc nặng. Còn sửa xe đạp thì tôi làm được”, anh Tuấn nhớ lại.

Tiệm sửa chữa xe đạp thể thao của anh Nguyễn Anh Tuấn ra đời từ đó. Đó cũng là nơi cho anh thu nhập ổn định, giúp trang trải chi phí chữa bệnh hàng tháng, lo cho mẹ già và 3 con nhỏ đang tuổi đến trường.

Thu nhập rất quan trọng, song không vì thế mà anh Tuấn kiếm tiền bằng mọi giá. Anh làm việc tận tâm còn như một cách để tri ân những khách hàng đã giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Cũng vì lẽ đó, trong những năm qua, anh Tuấn còn dạy nghề miễn phí cho một số người có nhu cầu. Trong đó, có những học trò đã trở về quê mở cửa hàng dịch vụ sửa chữa và kinh doanh xe đạp. “Em học lắp ráp xe và học thêm chuyên sâu về sửa chữa xe đạp thể thao ở chỗ thầy Tuấn. Thầy dạy nhiệt tình, sống rất hòa đồng”, anh Trần Văn Dũng, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội nói về người đã dạy mình nghề sửa chữa xe đạp thể thao.

Theo anh Tuấn, sửa xe đạp thể thao là công việc không khó và vẫn còn tiềm năng phát triển. Trong khi đó, nhiều người khuyết tật đang khó tìm việc làm, thậm chí bế tắc trong cuộc sống. Để giúp những người từng rơi vào cảnh ngộ như mình có thêm cơ hội vươn lên, anh vẫn sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo nghề miễn phí cho ai có nhu cầu.

Từ câu chuyện của anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Nhân Chính, Hà Nội, có thể nói cuộc sống là một hành trình dài mà ai cũng phải trải qua. Trên hành trình ấy luôn tồn tại khó khăn, thách thức. Để vượt qua khó khăn, đồng thời biến thách thức thành cơ hội, mỗi người cần nêu cao ý chí và nỗ lực không ngừng.