Phóng viên: Cơ duyên nào đã đưa anh đến với đất nước của chúng tôi?
Anh Harry: Trong số những người nước ngoài sống ở Việt Nam, có lẽ tôi là một trường hợp khá đặc biệt. Tôi chưa từng nghĩ đến việc chuyển đến Châu Á cho đến khi tổ chức nơi tôi làm việc có 1 đồng nghiệp đã tới Việt Nam để hỗ trợ công tác chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. Chúng tôi cùng làm công việc cứu hộ và tái thả gấu nâu tại Châu Âu. Vậy là vào tháng 2 năm 2015, tôi đặt chân đến Việt Nam.
Phóng viên: Anh có nhớ được đến thời điểm này mình đã cứu hộ được bao nhiêu động vật?
Anh Harry: Từ năm 2015 cho đến giờ khá là khó để nói ra con số chính xác tại vì trung tâm cứu hộ rất nhiều các loài động vật khác nhau, nhiều cá thể khác nhau nhưng nếu tính sơ sơ cũng phải đến 15.000 cá thể tại vì mỗi năm động vật ra vào rất nhiều.
Phóng viên: Trong những vụ giải cứu hay tiếp nhận động vật đó, đâu là kỷ niệm mà anh nhớ nhất?
Harry: Điều đặc biệt của công việc cứu hộ mà chúng tôi làm đấy là mỗi kỷ niệm đều là một nốt lặng khá buồn. Tại vì động vật khi bị bắt thì chỉ mất vài phút để bị bắt thôi, nhưng mà sẽ tốn rất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm để giúp cho chúng phục hồi, thậm chí là sống sót.
Trong những năm làm ở đây, chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều động vật, bây giờ tôi không còn nhớ những hình ảnh đó nữa nhưng cái âm thanh của những đợt tiếp nhận đấy thì tôi còn nhớ rất rõ tại vì nó là cái âm thanh rất kỳ lạ mà không ai có thể tưởng tượng ra và không ai muốn nghe. Nó là một âm thanh vô cùng ám ảnh.
Nhưng có một kỷ niệm tôi rất nhớ. Cái chuồng khỉ dành cho các cá thể khỉ đuôi dài được tiếp nhận từ rất nhiều vụ khác nhau, không hề quen biết nhau trước đó nhưng sau một thời gian được chăm sóc, chúng đã thành một nhóm như một gia đình và có thứ tự nhất định, có một số con rất là hài hước. Rất mong trong tương lai những cá thể này sẽ được thả sớm vì đã mất rất nhiều năm để chúng tôi có thể phục hồi được những hành vi hay là những tương tác về xã hội cho chúng và đã khá thành công.
Phóng viên: Vậy chắc hẳn anh rất yêu động vật?
Anh Harry: Tôi không yêu động vật, nhưng tôi tôn trọng chúng và tôi nghĩ thực ra tình yêu có một nhược điểm. Đấy là mình sẽ dễ nhân hóa động vật và có mong muốn được gần gũi hay là có một mối quan hệ với chúng và điều đó sẽ ngăn trở chúng quay trở lại tự nhiên. Tôi tôn trọng chúng và tôi nghĩ chúng có đời sống riêng và chúng xứng đáng được quay trở về nơi mà chúng thuộc về. Động vật hoang dã nên ở ngoài tự nhiên.
Khi làm việc tôi là người khá thực tế. Tôi nhìn vào số liệu, tôi nhìn vào các đặc điểm để làm sao không bị chi phối bởi cảm xúc và động vật sẽ có được điều kiện tốt nhất dựa trên những quyết định đúng đắn, dựa trên các yếu tố liên quan đến khoa học cũng như là thực tế thay vì cảm tính.
Phóng viên: Được biết anh là người thiết kế chuồng trại cho rất nhiều loài động vật. Làm sao mà anh có thể phục vụ hết được nhu cầu của mỗi loài?
Anh Harry: Một số loài có đặc điểm rất đặc thù, tôi cùng với các đồng nghiệp sẽ phải hiểu rõ đặc thù đó để thiết kế ra một môi trường phù hợp.
Ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội có một hạn chế, đấy là diện tích quá nhỏ mà lại có quá nhiều động vật. Vì vậy chúng tôi phải giải quyết bài toán, thiết kế làm sao để vẫn đáp ứng được những nhu cầu đặc thù của động vật mà lại trong một diện tích nhỏ như vậy.
Ví dụ như khỉ đuôi dài chẳng hạn, khi có một yếu tố nào đó bất ngờ hay khiến chúng bất an thì chúng sẽ nhảy tót lên trên cao. Điều này có nghĩa là chuồng của chúng phải cao hơn so với chiều rộng.
Những yếu tố nho nhỏ như vậy thôi nhưng đóng góp rất nhiều vào việc giúp cho động vật có được kiểm soát tốt về môi trường sống. Vì mỗi khi gặp căng thẳng, hệ miễn dịch của chúng sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Chúng tôi luôn cố gắng tìm nhiều biện pháp để cuộc sống của chúng được phong phú hơn, dù là trong môi trường nuôi nhốt. Do đó, thứ nhất, phải hiểu được về mặt sinh lý, về mặt sinh học của động vật, chúng là loài như thế nào? Nguyên tắc thứ hai là phải hiểu được tâm lý và hành vi của động vật.
Tôi và các đồng nghiệp luôn luôn phải tự nhủ, mình không được phép nhân hóa các cá thể này mà phải nhìn động vật dưới góc nhìn của chúng và từ đó chúng tôi có thể thiết kế được những cái chuồng khá là phù hợp cho động vật.
Nói chung, kiến thức luôn là một yếu tố không được phép bỏ qua trong việc chăm sóc cũng như cung cấp các nhu cầu cho động vật.
Phóng viên: Anh có cảm thấy công việc của mình vất vả và áp lực?
Anh Harry: Về điều này tôi có hai cảm xúc trái ngược nhau. Đầu tiên tôi cảm thấy rất may mắn khi mình được cùng với mọi người ở đây góp phần bảo vệ động vật tại vì thiên nhiên Việt Nam rất là đẹp và mình vẫn còn cơ hội để cứu lấy nó.
Tôi cũng thấy mình rất may mắn khi ở Việt Nam đúng thời điểm Nhà nước đã quan tâm hơn đến vấn đề này và nếu tôi có thể đóng góp được gì thì đấy là một vinh dự.
Tuy nhiên đây là một công việc rất là khó khăn, khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ như có những lúc chỉ có 5 phút nữa thôi là được nghỉ được về nhà nhưng lại có một đợt cứu hộ đột xuất hay là cần phải thiết kế gấp một cái chuồng trại nào đấy hoặc bất ngờ có động vật ốm. Có những lúc chúng tôi kiểm tra sức khỏe động vật mà đến 9-10h tối các bạn ấy chưa tỉnh mê chẳng hạn thì chúng tôi sẽ phải làm việc rất muộn; hay là ôm những thanh gỗ rất to để làm chuồng cho gấu, cho hổ…
Về mặt thể chất đây là một công việc khá vất vả. Về mặt tinh thần thì những lúc mà nhìn những cá thể động vật bị tổn thương thực sự rất là đau lòng. Nhưng mỗi khi khó khăn ập đến, tôi thường tự nhủ mình đang làm 1 việc có ích để lấy lại tinh thần.
Phóng viên: Làm việc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, điều anh mong muốn là gì khi chăm sóc động vật ở đây?
Anh Harry: Tôi mong rằng mình sớm thất nghiệp tại vì những người như tôi thất nghiệp có nghĩa là động vật đã được ở ngoài tự nhiên rồi hoặc là sẽ không còn những động vật bị buôn bán nữa. Cho nên được thất nghiệp có lẽ là mong ước của tôi.
Phóng viên: Nhưng có vẻ như mơ ước của anh còn rất là xa khi mà tình trạng buôn bán động vật hoang dã vẫn rất phức tạp?
Anh Harry: Thật ra công việc này như là một cuộc chạy đua. Đối thủ của mình sẽ là những người tiêu thụ động vật hay là những người tàn phá thiên nhiên… Cuộc đua này tạm gọi là hai bên đang đi song song với nhau.
Tôi không muốn nói thật ra là chúng tôi đang thua, nhưng mà biết đâu được đấy, với thế hệ những bạn trẻ quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề vĩ mô thì có thể là cuộc đua này sẽ cân bằng hơn hoặc thậm chí chúng tôi có thể thắng, không thể nói trước được.
Phóng viên: Anh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng Danh hiệu Người tốt - Việc tốt năm 2022. Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận được giải thưởng này?
Anh Harry: Tôi rất ngạc nhiên vì không nghĩ mình lại có vinh dự được nhận danh hiệu này. Cái ngày mà trao danh hiệu tôi thấy mình được đứng chung sân khấu với những bác sĩ, lính cứu hỏa hay những người mà thực sự đã mạo hiểm mạng sống của mình để giúp đỡ người khác. Tôi thấy rất vinh dự và rất xúc động. Tôi là người được đề cử nhưng đây là thành quả của tất cả các anh chị em trong Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội và các đồng nghiệp đã và đang hỗ trợ tôi trong suốt gần 9 năm qua.
Ngoài ra đây cũng là một tín hiệu rất tốt, những người làm ngành bảo tồn hay cứu hộ động vật bắt đầu nhận được sự chú ý từ công chúng cũng như Chính phủ. Cho nên cảm xúc của tôi khi nhận được danh hiệu này có lẽ đầu tiên là bất ngờ. Thứ hai là cảm thấy mình rất may mắn và thứ ba là tràn đầy hy vọng.
Phóng viên: Cảm ơn những đóng góp của anh đối với Việt Nam. Chúc anh nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này!
- Anh Harold Browning (tên thân mật là Harry) mang quốc tịch Anh, là chuyên gia về động vật hoang dã. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, anh đã hỗ trợ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ trên 1.000 cá thể động vật hoang dã mỗi năm; kết nối nguồn hỗ trợ chuyên môn và tài chính cho Trung tâm.
- Harold Browning là người thiết kế và giám sát xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình; xây dựng hệ thống quản lý đảm bảo phúc lợi động vật tiêu chuẩn quốc tế kết hợp mô hình du lịch thân thiện với động vật.
- Thiết kế ý tưởng cho Công viên động vật Châu Á (Ninh Bình) với 35ha diện tích cứu hộ động vật kết hợp du lịch sinh thái.
- Tư vấn cho Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) thiết kế chuồng trại cứu hộ động vật và lên kế hoạch vận hành.
- Tư vấn cho các cơ quan chức năng về vấn đề chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã và kỹ thuật cứu hộ động vật.
- Năm 2021, anh Harold Browning nhận Bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vì những đóng góp cho hoạt động cứu hộ động vật tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.
- Năm 2022, anh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng Danh hiệu Người tốt, Việc tốt.
Nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên và anh Harold Browning dưới đây: