Thời gian qua, nhiều người từ các tỉnh, thành phía Nam nơi tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…đã tìm nhiều cách để về quê tránh dịch. Điều này khiến cho nguy cơ lây lan dịch rất cao. Để người dân yên tâm “ở đâu ở yên đó”, một số địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ. Có thể kể đến là Hải Phòng với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình người Hải Phòng đang ở TPHCM; Hà Tĩnh chi ngân sách 2 tỉ đồng để hỗ trợ cho công dân địa phương đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có hoàn cảnh khó khăn....Cùng với đó là sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong cả nước. Điển hình là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức này ở các địa phương có nhiều hoạt động hướng về tâm dịch.

Tại TP. Đà Nẵng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhất là trong đợt thứ 4 này, hình ảnh các cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ dường như xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các điểm nóng dịch bệnh. Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng cho biết không kể ngày đêm, mưa nắng, cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ luôn sẵn sàng đi nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân và những nhà hảo tâm. Rồi chính họ là người tham gia phân phối, vận chuyển đến các điểm cách ly, phong tỏa để trao tận tay cho các đối tượng cần hỗ trợ. “Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, kêu gọi được nguồn lực đã khó nhưng mang đi cứu trợ còn khó hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Tính riêng từ đầu tháng 5/2021 đến nay, Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch covid-19 với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn “chi viện” cho TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương 150 triệu đồng và một số hàng hóa thiết yếu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại địa phương. Đồng thời, hưởng ứng chiến dịch “Kết nối cộng đồng-vượt qua thách thức” do Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam còn vận động, hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam hàng chục tấn lương thực, thực phẩm và một số trang, thiết bị y tế. Bà Trần Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Hà Nam cho biết, riêng trong đợt dịch lần này, đơn vị đã chuyển 3 chuyến hàng vào các tỉnh phía Nam: Chuyến thứ nhất là 15 tấn hàng gồm lương thực, thực phẩm; Chuyến thứ hai gồm 5 máy thở và 7 tấn gạo; Chuyến thứ 3 là 18 tấn hàng nhu yếu phẩm các loại. Tổng giá trị ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Bà Hà cho biết chừng nào dịch bệnh chưa được kiểm soát, nơi nào còn người khó khăn thì khi đó Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam sẽ vẫn tập trung vào công tác vận động nguồn lực và các hoạt động hỗ trợ. “Chúng tôi muốn mọi người yên tâm ở đâu ở yên đấy, thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền về phòng chống dịch”, bà Hà bày tỏ.

Tương tự, bên cạnh việc chăm lo đời sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 tại địa phương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều hoạt động hướng về “tâm dịch”. “Tính riêng từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đơn vị chúng tôi đã gửi vào TP. Hồ Chí Minh hơn 4 nghìn tấn hàng gồm rau, củ, quả, gạo, mì tôm…Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động nguồn lực”, bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Không chỉ riêng Thanh Hóa, Hà Nam và Đà Nẵng, Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương cũng đang tiếp tục vận động nguồn lực và triển khai các hoạt động hỗ trợ hướng về “tâm dịch”. Tin rằng cùng với sự nỗ lực, quan tâm từ các cấp, các ngành, sẽ “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch covid-19 này.

Nghe bài viết dưới đây